Công trình giao thông trọng điểm: Thiếu giải pháp đồng bộ để di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật

03/08/2007 10:40

Hiện nay, tất cả 11 công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM đều chậm trễ tiến độ, trong đó có công trình trễ 1 - 2 năm như đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cầu Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây. Một trong những nguyên nhân chính gây ách tắc kéo dài là chậm trễ trong việc di dời, xây dựng hệ thống điện, cáp viễn thông, truyền hình. Đây là vấn đề không mới nhưng ngành chức năng vẫn chưa tìm ra cơ chế phối hợp hiệu quả.

Đổ lỗi cho nhau

Khó xây dựng hệ thống hào kỹ thuật

Ông Trần Quang Phượng cho biết: tại công trình đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Sở GTCC có dự định lập một hào kỹ thuật dành cho cáp điện, cáp truyền hình, điện thoại... nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Trước khi định làm, sở đã họp với tất cả các ngành liên quan thì nhiều đơn vị của các ngành này cho rằng chưa sẵn sàng điều kiện kỹ thuật để đưa cáp xuống hào cũng như sắp xếp hệ thống cáp, phân phối đến hộ dân, bảo trì... Sở cũng đã mời các đơn vị tư vấn tham mưu kỹ thuật lập hệ thống hào này nhưng thấy rằng kinh phí thực hiện rất lớn. Hiện tại kinh phí công trình đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa không đáp ứng được. UBND TP.HCM giao cho Sở công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở bưu chính viễn thông, Sở GTCC tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở giao thông công chính (GTCC) TP.HCM thừa nhận hiện nay chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thi công hạ tầng kỹ thuật. Về nguyên nhân, ông Phượng cho rằng thực tế có những khó khăn khách quan. Ví dụ như di dời đường điện phần lớn phụ thuộc vào Tổng công ty điện lực. Bên cạnh việc di dời còn phải tính đến quy mô phát triển hệ thống điện trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi ngành điện phải có thêm một nguồn vốn lớn, ngoài nguồn vốn bồi hoàn khi thực hiện công trình để phát triển thêm mạng điện trên tuyến công trình đó. Cụ thể như dự án đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thời gian qua việc di dời hệ thống điện có kéo dài, ngành điện tốn thời gian để xác lập dự án mạng điện với quy mô phục vụ cao cho tuyến đường lớn này nên kéo dài thời gian.

Đối với ngành viễn thông, tốc độ phát triển mạng cáp điện thoại hiện nay là rất lớn, các công ty điện thoại đôi khi lại bị động về vốn đầu tư cũng một số khó khăn khác về kỹ thuật. Sự phối hợp giữa ngành điện và điện thoại cũng gặp khó khăn. Dây điện thoại thì mắc vào trụ điện nên dù các công ty điện thoại có kế hoạch di dời rồi nhưng chưa có trụ điện thì cũng không làm gì được. Hiện nay có 16 đơn vị điện thoại ở Thành phố có kế hoạch ngầm hóa dây cáp điện, nhưng các đơn vị này hoạt động độc lập nhau nên có tình trạng chờ đợi, đùn đẩy trong việc xây dựng hào kỹ thuật chung. Thời gian qua, UBND TP.HCM giao cho Sở GTCC nhiệm vụ đề ra mốc thời gian buộc các đơn vị phải hoàn thành việc di dời, nếu không thực hiện thì cứ tiến hành cắt dây điện, thi công công trình chứ không chờ đợi. Thực tế là đã có thực hiện như thế, đến lúc đó thì họ mới làm. Vấn đề rút ra ở đây là phải có hướng xử lý dứt khoát, mạnh mẽ đối với các đơn vị chậm trễ, phải quy trách nhiệm cụ thể đối với các đơn vị…

Ông Lê Văn Phước - giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác - khâu giải phóng mặt bằng thuộc Ban quản lý dự án. Thời gian qua, khâu giải phóng mặt bằng chậm có ảnh hưởng lớn đến việc di dời hệ thống điện, chỉ còn vài hộ thôi cũng rất khó. Công trình đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cầu Thủ Thiêm, dự án đại lộ Đông Tây hiện đều thiếu mặt bằng thi công. Thời gian di dời kéo dài cũng nảy sinh vấn đề nhà thầu đòi tăng giá theo thời điểm, ngành điện không thể chấp nhận nên phải tổ chức đấu thầu lại. Như vậy là không kịp với tiến độ công trình…

Cần quy về một mối

Mới đây, Sở GTCC đã kiến nghị UBND TP.HCM lập một tổng thầu để tiến hành di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật sau khi đã tiến hành giải tỏa xong. Từ trước đến nay có rất nhiều đơn vị tham gia thi công trên công trình: các đơn vị thi công đường, cấp thoát nước, điện lực, 16 công ty điện thoại… chiếm mặt bằng lớn cũng gây ùn tắc. Chỉ cần giao một đơn vị tổng thầu thì sẽ giải quyết được việc này, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đùn đẩy gây chậm trễ. Tuy nhiên để thực hiện được tổng thầu, các đơn vị phải có các giải pháp về kinh phí, kỹ thuật cụ thể trước khi thực hiện công trình.

Ông Nguyễn Việt Dũng, phó giám đốc Bưu điện TP.HCM đề nghị: ngoài việc tổ chức thực hiện công trình, trách nhiệm của Sở GTCC cũng phải quản lý vấn đề hạ tầng kỹ thuật. Các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, bưu điện hiện nay có rất nhiều đầu mối. Nếu cứ trông chờ vào sự phối hợp thì rất khó giải quyết. Sở GTCC khi thi công công trình có lập đường ống thoát nước thế thì tại sao không đặt luôn đường ống cho hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông và ngành GTCC quản lý luôn hệ thống ống này? Điều này nhiều nước trên thế giới làm khá tốt, tránh được tình trạng hiện nay ở Thành phố là nhiều đơn vị thi công, phối hợp không được, thiếu mặt bằng…/.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình giao thông trọng điểm: Thiếu giải pháp đồng bộ để di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO