Công nghệ xử lý hoa cắt cành tại Đà Lạt

<_o3a_p>| 02/10/2009 08:57

Hiện nay, hoa cắt cành tại Đà Lạt chưa xâm nhập được vào thị trường Mỹ và châu Âu, xuất khẩu hoa chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vùng trồng hoa lớn nhất nước. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là sự yếu kém trong xử lý sau thu hoạch. Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã được Sở khoa học và công nghệ Lâm Đồng ký hợp đồng nghiên cứu công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói thích hợp cho một số loại hoa cắt cành tại Đà Lạt phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh nghiệm thu và chuyển giao cho nông dân.

Năm loài hoa được chọn nghiên cứu là cúc, lily, cẩm chướng, hồng và địa lan. Cử nhân Phạm Đình Dũng làm chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự đã nghiên cứu thời điểm cắt cành thích hợp cho từng giống hoa, xử lý nấm bệnh và côn trùng sau thu hoạch, khảo sát cường độ hô hấp và nồng độ etylen sản sinh trong quá trình bảo quản, khảo sát sự tổn thương lạnh các loại hoa cắt cành, xác định thời gian xử lý và công thức bổ sung hàm lượng các chất dinh dưỡng trong dung dịch nuôi dưỡng hoa, khảo sát các loại bao bì và cách đóng gói, xác định nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho từng loại hoa.

Cũng như khảo sát của nhiều nhà khoa học trước đây, tác giả Phạm Đình Dũng nhận thấy trên 85% hoa được vận chuyển đi tiêu thụ chủ yếu bằng ô tô và chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu mới có hệ thống lạnh hoặc vận chuyển thẳng bằng đường hàng không. Thị trường chính là TP.HCM (trên 80%). Địa lan và hoa lily chủ yếu được tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Do những đòi hỏi nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật ở Nhật Bản, hoa Đà Lạt vẫn chưa xâm nhập được vào thị trường lớn này.

Để xác định các chỉ số sau thu hoạch, nhóm nghiên cứu đã tìm đến các nhà vườn trồng hoa có kinh nghiệm tại các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên và phường 10 Đà Lạt (các hộ Đặng Xuân Hải, Nguyễn Văn Tăng, Phạm Công Nam, Vũ Hoàng Anh, Phan Ngọc Hà), để hướng dẫn nông dân về chỉ số sau thu hoạch đối với 5 loại hoa cắt cành - nghĩa là cắt cành vào thời điểm hoa nở nào là có lợi nhất. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy các nhà vườn hay cắt cành không đúng chỉ số, khi cắm bình, búp hoa không đủ sức nở hết và mau tàn, và hoa cắt quá độ nở cũng mau tàn.

Phạm Đình Dũng cho biết: “Từ kết quả khảo sát acetylen, cường độ hô hấp và sự tổn thương lạnh, chúng tôi đưa ra yêu cầu xử lý bảo quản ở nhiệt độ thường đối với các loại hoa như sau: với hoa lily, tại TP.HCM (300C) ở độ ẩm 60 - 65%, thời gian bảo quản là 10 ngày; với hoa hồng, cúc, cẩm chướng và địa lan, thời gian bảo quản là 11 - 13 ngày ở nhiệt độ bình thường của TP.HCM... Bảo quản ở nhiệt độ 60C là thích hợp nhất với độ ẩm 85 - 90%, thời gian bảo quản hoa cúc sẽ là 27 ngày, lily 32 ngày, cẩm chướng 29 ngày, địa lan 46 ngày và hoa hồng 24 ngày”.

Quy trình xử lý sẽ gồm các khâu nguyên liệu, thu hoạch, làm sạch và phân loại sơ bộ, vận chuyển, đóng gói, làm mát sơ bộ, bảo quản lạnh, đóng thùng, dán nhãn và tiêu thụ.

Ông Trương Trổ, giám đốc Sở khoa học và công nghệ Lâm Đồng, đánh giá: “Đề tài đã thể hiện được khả năng ứng dụng trong thực tế”. TS. Bùi Văn Miên bổ sung: “Nhóm nghiên cứu nên đưa ra quy trình cụ thể cho từng loại hoa vì mỗi loài có những đặc điểm về phát triển và bảo quản khác nhau...”.

BÍCH VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ xử lý hoa cắt cành tại Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO