Công nghệ mới chống xói lở bờ biển

ThS. NGUYỄN THANH ĐIỆP| 14/11/2020 05:36

KHPTO - Hiện nay, các phương pháp bảo vệ bờ biển thường ưu tiên dùng móng đá nhân tạo (kè, đập, đê...). Các công trình này thường tạo ra các bề mặt phẳng rộng và có tính phản xạ mạnh, tạo ra sóng dừng hoặc hiện tượng nhồi lắc sẽ không giải quyết được vấn đề xói lở mà còn thường xuyên gây xói mòn chân công trình, khiến kinh phí duy tu, bảo trì, sửa chữa là rất lớn.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ Stabiplage, theo tiếng Pháp có nghĩa là ổn định bờ. Công nghệ này do nhà khoa học người Pháp - ông Jean Cornic sáng chế và đưa vào ứng dụng từ năm 1986. Bản chất của công nghệ này là chống xói lở, bồi lắng bờ biển không dùng đê kè cứng bằng bê tông cốt thép nhưng bền vững, thích ứng với nhiều tầng nền, trong nhiều loại môi trường. Stabiplage là dạng con lươn có vỏ bọc bằng vật liệu tổng hợp Geo-composit (có tuổi thọ trên 100 năm) có hai lớp, lớp ngoài là lưới polyeste màu sáng, lớp lọc bên trong là polypropylen kiểu không dệt. Phía dưới là các tấm phẳng làm bằng vật liệu đặc biệt nhằm chống lún và chống xói mòn công trình. Bên trong con lươn chứa đầy cát được bơm vào tại chỗ. Chiều dài trung bình của Stabiplage từ 50 - 80 mét, có mặt cắt gần như hình elip chu vi khoảng 6,5 - 10 mét. Kích thước của Stabiplage cũng như loại vật liệu được lựa chọn thích ứng với từng khu vực của công trình.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ Stabiplage là thu giữ, tích tụ và duy trì tại chỗ các trầm tích, không chống lại thiên nhiên mà trợ giúp thiên nhiên, thông qua hoạt động thủy động lực học ven biển và dịch chuyển trầm tích ngang và dọc bờ, tạo ra các trao đổi cho phép ổn định động lực các khu vực cần được xử lý. Quá trình hoạt động của các Stabiplage với kích thước thích hợp cho phép sóng vượt qua trầm tích, cát nhưng trích lại một lượng cát trong dịch chuyển ven bờ. Lượng cát thu giữ được tích tụ dần dọc theo công trình sau đó ổn định và nâng dần độ cao bãi biển để bồi đắp, tái tạo lại bãi biển, hình thành địa mạo mới. Hoạt động Stabiplage không gây biến động bất thường, không làm xói lở ở các khu vực thuộc hạ lưu và chân công trình.

Về cơ bản có ba kiểu công trình Stabiplage: Stabiplage đặt nửa chìm, nửa lộ thiên vuông góc với bờ như kiểu mỏ hàn, nhằm hạn chế dòng ven bờ, tăng cường bồi tụ phù sa mà dòng chảy ven bờ mang theo, duy trì tại chỗ lượng phù sa theo cơ chế bồi tụ; Stabiplage đặt ngầm và song song với bờ, có tác dụng làm giảm bớt năng lượng sóng lừng mạnh, nguy hiểm, tạo vùng sóng lừng nhỏ hơn, cho phép phù sa mịn lắng đọng trong vùng bị xói lở; Stabiplage đặt sát chân các đụn cát, có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các đụn cát ven biển, ngoài ra có thể tạo ra sự phủ cát nhân tạo theo ý muốn bằng các biện pháp kỹ thuật đơn giản.

Vừa qua, nước ta đã ứng dụng công nghệ này để chống xói lở bờ biển và đã làm thí điểm ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sau khi hoàn thành, công trình bước đầu đã phát huy hiệu quả, với những ưu điểm cơ bản: không gây tác động xấu đến môi trường mà dựa vào tự nhiên để điều chỉnh; thời gian thực hiện được rút ngắn đáng kể so với các công trình cứng; giá thành rẻ; thi công đơn giản; công trình không cần phải bảo trì, tiết kiệm nhân công... Đặc biệt, công trình không chỉ có tác dụng chống xói lở mà còn tạo nên bãi bồi với cảnh quan mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ mới chống xói lở bờ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO