Công nghệ ly trích hoạt chất của cây atisô Đà Lạt

22/08/2008 17:03

Atisô có nhiều tác dụng tốt đối với chức năng gan như: tăng sự tiết mật, ổn định tế bào gan, tăng tính chống độc của gan, hạ cholesterol, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Vì vậy, trên địa bàn Đà Lạt có rất nhiều cơ sở sản xuất chế biến các loại sản phẩm từ atisô. Tuy nhiên, các sản phẩm này hầu hết chỉ có tiêu chuẩn công bố về hàm lượng polyphenol toàn phần mà chưa xác định rõ thành phần hóa học. Một đề tài nghiên cứu của Viện công nghệ hóa học đã tiến hành khảo sát thành phần polyphenol và flavonoid có tính kháng oxy hóa. Trên cơ sở nghiên cứu này, ngành dược Lâm Đồng có thể đầu tư mở rộng sản xuất mặt hàng mới từ cây atisô theo tiêu chuẩn GMP.

Đề tài “Xây dựng công nghệ ly trích hợp chất có hoạt tính sinh học trong dược liệu atisô với hiệu suất cao” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh, Viện công nghệ hóa học làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu tại Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng.

Được dùng từ lâu, vừa làm thực phẩm, vừa làm dược phẩm, cây atisô được người Pháp di thực vào nước ta từ đầu thế kỷ XX và trồng tại các vùng khí hậu ôn đới như Sapa, Tam Đảo và nhiều nhất là ở Đà Lạt, chủ yếu là tại phường 12 với trên 30 ha.

Khảo sát thành phần hóa học cơ bản hoa, lá, thân, rễ khô và lá atisô tươi ở Đà Lạt bằng các thuốc thử biệt tính, cho thấy đều có chứa flavonoid, sterol, terpenoid, glycosid và tanin. Các nguyên liệu khô của thân, rễ, lá có hàm lượng polyphenol rất thấp, trong khi hoa khô, hoa tươi và lá tươi có hàm lượng rất cao. Thân và rễ khô có hàm lượng flavonoid thấp, trong khi hoa tươi và hoa khô có hàm lượng cao nhất, lá có hàm lượng trung bình. Việc cô lập và xác định cấu trúc các chất tinh khiết từ hoa khô và lá atisô tươi được thực hiện bằng các phương pháp sắc ký lớp mỏng, sắc ký cột thường, sắc ký cột nhanh (flash chromatography). Các chất tinh khiết được xác định bằng phương pháp phổ hiện đại như IR, Mass, NMR 1 chiều, 2 chiều cho phép phân lập và nhận danh cấu trúc 5 chất từ hoa khô và 9 chất từ lá tươi; thử tác dụng kháng oxy hóa của các cao atisô, các phân đoạn và các chất tinh khiết được thực hiện theo phương pháp DPPH (1,1-diphenyl-2-picryhydrazyl - chất tạo ra gốc tự do được dùng để thực hiện phản ứng mang tính chất sàng lọc tác dụng chống oxy - hóa). Kết quả cho thấy chỉ có hoa khô và lá tươi có hoạt tính ức chế trên 90%. Với chất tinh khiết thì cynarosid và scolymosid có hoạt tính ức chế trên 90%. Hàm lượng chất chiết xuất của lá atisô trắng tươi thường lớn hơn so với lá tím tươi. Nước là dung môi có hiệu suất chiết cao nhất.

Các tác giả đã sản xuất được cynarin là hoạt chất mà trước đây các công ty dược thường phải nhập từ nước ngoài với giá trên 10 triệu đồng/10 mg. Các nghiên cứu cũng cho thấy: cây atisô Đà Lạt có đầy đủ các thành phần hóa học như cây atisô của các nước khác trên thế giới.

TS. Nguyễn Ngọc Hạnh đã đề nghị tỉnh Lâm Đồng triển khai dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ sản xuất cao định chuẩn từ lá atisô do Công ty dược Lâm Đồng (Ladophar) chủ trì thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ ly trích hoạt chất của cây atisô Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO