Còn nhiều băn khoăn về sách giáo khoa mới

ANH THƯ| 05/12/2019 19:25

KHPTO - Luật giáo dục 2019 quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của bộ trưởng Bộ giáo dục - đào tạo… Tuy nhiên, vẫn cần những quy định chi tiết hơn.

Sách chưa qua thẩm định có được lưu hành?

Theo PGS.TS. Ngô Minh Oanh, Trường đại học sư phạm TP.HCM, Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, ngày 22/12 năm 2017 về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK); tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Thông tư quy định rất cụ thể và rõ ràng về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, sửa chữa; tiêu chuẩn các tổ chức biên soạn, tuy nhiên quy định về thẩm quyền lựa chọn SGK chưa được quy định trong thông tư này. Ngoài ra, thông tư chỉ giới hạn những bộ sách được thẩm định của cơ quan nhà nước, còn những bộ sách do nhóm tác giả đủ tiêu chuẩn biên soạn, không qua thẩm định như là một loại tài liệu tham khảo, không thấy đề cập đến. Hiện nay ở nước ngoài như Hàn Quốc, ngoài các bộ SGK có thẩm định được lưu hành, thì một số bộ sách không tham gia thẩm định vẫn được lưu hành.

Ngoài ra, việc giao nhiệm vụ cho cấp tỉnh lựa chọn SGK cũng có nhiều bất cập bởi địa bàn tỉnh là khá rộng, có nhiều địa bàn khác nhau về kinh tế, xã hội, dân cư nên yêu cầu SGK phải phù hợp với đặc điểm địa phương là chưa phù hợp, chưa kể là chưa trao được quyền tự chủ cho thầy giáo và học sinh trong việc lựa chọn bộ SGK tốt nhất cho trường mình. Điều đáng nói là khi có nhiều bộ SGK, sẽ không có một bộ sách nào là tốt toàn diện, nên giáo viên có quyền lựa chọn những phần tốt nhất trong các bộ SGK để phục vụ tối ưu cho việc dạy học.

Cần nhiều quy định chi tiết hơn

ThS. Phạm Thị Phương Thảo, Trường đại học luật TP.HCM đề nghị, cần có quy định cụ thể, chi tiết đối với điểm b Khoản 1 Điều 32 "Mỗi môn học có một hoặc một số SGK, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Cần phải làm rõ việc môn học nào, cấp học nào sẽ có nhiều SGK, hay tất cả đều có nhiều SGK để lựa chọn. Bên cạnh đó, cần thiết phải xác định rõ căn cứ để biên soạn một hoặc một số SGK cho từng môn học, ở các cấp học. Các căn cứ, tiêu chí này cần có sự rõ ràng, minh thị, khoa học như tầm quan trọng cả môn học, sự thay đổi của môn học trong xu thế chung hiện nay của nước nhà và trong xu thế toàn cầu hóa. Cần cụ thể hóa quy định về xã hội hóa việc biên soạn SGK, vì hiện nay đang thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế quản lý để đảm bảo vận hành đồng bộ toàn bộ quá trình xây dựng, triển khai việc biên soạn SGK. Để việc xã hội hóa thành công, cần thiết có các quy định cụ thể để tham gia vào quá trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông của các tổ chức, cá nhân... tránh việc lãng phí trí tuệ, tài chính, thiếu sự tập trung cần thiết trong quá trình biên soạn và đảm bảo hàm lượng khoa học cho các bộ SGK. Bên cạnh đó, văn bản dưới luật cụ thể hóa điều này cũng cần đưa ra các quy định trách nhiệm pháp lý với các chủ thể tham gia vào quá trình biên soạn, xuất bản SGK.

Thứ hai, việc lựa chọn SGK tại điểm c Khoản 1 Điều 32 "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo”, ThS. Phạm Thị Phương Thảo nhận thấy, cần thiết phải được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhưng cần thiết phải tuân thủ một số yêu cầu cơ bản.

Trong đó, việc lựa chọn SGK giáo dục phổ thông phải được thực hiện công khai, minh bạch và đảm bảo nguyên tắc "mỗi môn học có một hoặc một số SGK". SGK là tài liệu cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông, được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông. Việc lựa chọn SGK sử dụng trên địa bàn của UBND tỉnh không có nghĩa là lựa chọn duy nhất một bộ SGK. Nếu như thế sẽ không đảm bảo được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 32 Luật giáo dục 2019, cũng như việc xã hội hóa SGK sẽ không còn mang ý nghĩa nữa.

Thẩm quyền lựa chọn SGK thuộc về UBND cấp tỉnh. Để thực hiện được thẩm quyền này, cần thiết phải có quy định tiêu chí cụ thể để UBND cấp tỉnh thực hiện việc lựa chọn SGK. Luật giáo dục 2019 chỉ quy định việc lựa chọn SGK là để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn trên cơ sở quy định của bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở các quy định này, UBND cấp tỉnh sẽ tiếp tục phải có các tiêu chí, quy định cụ thể để lựa chọn SGK cho phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể ở từng địa phương, phù hợp với nhu cầu, điều kiện tổ chức giảng dạy và học tập ở địa phương mình. Điều đó cũng có nghĩa là trên cơ sở các SGK đã được hội đồng quốc gia thẩm định và được phê duyệt, từng địa phương sẽ có các bộ SGK khác nhau để sử dụng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương đó.

Để thực hiện hiệu quả thẩm quyền này, ngoài các tiêu chí cụ thể thì UBND cấp tỉnh còn phải có một bộ máy để hỗ trợ việc lựa chọn. Đó là các chuyên gia, nhà chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương và đương nhiên một thành phần không thể thiếu là những nhà giáo đang tham gia giảng dạy tại địa phương theo từng môn học, cấp học. Họ là người biết rõ và sẽ có những ý kiến xác đáng về sự phù hợp của SGK với thực tiễn, với nhu cầu ở địa phương nên cần thiết phải được chiếm đa số trong thành phần hội đồng lựa chọn.

Ngoài ra, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa Hội đồng quốc gia thẩm định SGK không chỉ phải đảm bảo về mặt số lượng, thành phần mà quan trọng hơn các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải có sự độc lập cả về quản lý và chuyên môn. Sự độc lập sẽ giúp Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện việc phản biện một cách vô tư, khách quan để các bộ SGK thật sự mang tính khoa học, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều băn khoăn về sách giáo khoa mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO