Cơ khí nông nghiệp Việt Nam: Thua trên ruộng nhà và thắng trên thị trường

N. HOA| 08/10/2019 20:01

KHPTO - Nhắc lại câu nói của một nhà khoa học đăng trên tạp chí của Pháp năm 1970: “Không nước nào trên thế giới thành công về cơ giới hóa nông nghiệp nếu chỉ trông cậy vào máy ngoại nhập”, ông Nguyễn Thế Hà, giám đốc đầu tư Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ nói về những bài học đắt giá cho cơ khí nông nghiệp từ thực tiễn đồng bằng sông Cửu Long.

Bài học thất bại: thua trên ruộng nhà

Trong các kỳ hội thi máy gặt đập liên hợp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức, các mẫu máy gặt đập liên hợp do các xưởng cơ khí nhỏ ở ĐBSCL sản xuất đạt hầu hết các giải nhất, nhì, ba, chạy được trên nền đất yếu, có bộ vơ, dựng đứng cây lúa, cắt được cả lúa đổ ngã, tỷ lệ gặt sót thấp. Khi ra thị trường, có doanh nghiệp đã bán được lên đến 1.000 máy. Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất số lượng lớn lại không thành công, do chất lượng chế tạo kém, độ bền chi tiết máy không ổn định, chất lượng kim loại không tốt, thường hư hỏng trong lúc vận hành.

Một số hãng chế tạo máy gặt đập liên hợp nước ngoài áp dụng những cải tiến kỹ thuật của máy gặt đập liên hợp Việt Nam. Với năng lực công nghệ chế tạo máy và chất lượng kim loại chi tiết máy vượt trội, cộng với năng lực tài chính hùng mạnh, được hỗ trợ của chính phủ nước họ thông qua các chính sách đầu tư tài trợ cho cơ khí nông nghiệp, đã chiếm lĩnh thị phần máy gặt đập liên hợp Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Hà nhận định: “Cơ khí nông nghiệp ĐBSCL đã thua ngay trên ruộng nhà bằng chính những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của chính mình”.

Bài học thành công: thắng trên thị trường

Công nghệ xay xát lúa gạo nước ngoài thích nghi với giống lúa Joponica hạt tròn, áp dụng vào ĐBSCL làm gãy vỡ hạt gạo.

Từ thực tiễn xay xát chế biến lúa gạo hàng năm trên 20 triệu tấn ở ĐBSCL với các giống lúa canh tác ngắn ngày, thời gian canh tác 1 vụ lúa dưới 100 ngày. Lúa hạt dài, cần áp lực xay xát nhẹ, có giải pháp kỹ thuật công nghệ thích nghi với từng vụ mùa, vùng miền, và từng chủng loại lúa. Các nhà máy chế biến thiết bị xay xát lúa gạo Việt Nam chủ động thực hiện 2 phương châm sau: không nội địa hóa công nghệ xay xát lúa gạo nước ngoài; không làm công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng cho các công ty đa quốc gia về sản xuất hệ thống thiết bị xay xát. Thay vào đó là toàn cầu hóa công nghệ xay xát lúa gạo Việt Nam; sử dụng công nghệ phụ trợ nước ngoài, sản xuất với chất lượng tốt nhất, tăng năng lực chế tạo chi tiết máy đạt chuẩn quốc tế. Cạnh tranh sòng phẳng và có hiệu quả trên thị trường trong nước và thế giới. Nhờ vậy đã thay thế thiết bị nhập khẩu, đứng vững chắc trên thị trường trong nước, từng bước mở rộng ra thị trường thế giới theo năng lực của mình.

Ông Nguyễn Thế Hà cho rằng, ngành cơ khí chế tạo máy ĐBSCL đã chủ động cạnh tranh có hiệu quả các hệ thống thiết bị chế biến lúa gạo, máy cuộn rơm. Các hệ thống chế biến cà phê, mè, đậu xanh, máy chế biến gỗ đạt chuẩn quốc tế cũng đang bước đầu cạnh tranh có hiệu quả trên mọi thị trường. Chủ động nghiên cứu khoa học công nghệ, sản phẩm đạt chuẩn để cạnh tranh quốc tế.

Tăng năng lực thiết bị cơ khí chế tạo máy, hiện đại hóa công nghiệp chế tạo

máy ngang tầm nước ngoài, chủ động cạnh tranh có hiệu quả trên mọi thị trường bằng nội lực của chính mình là phương châm của cơ khí nông nghiệp ĐBSCL hiện nay.

Bài học mới đầy triển vọng

Một nhà khoa học Việt Nam đã thiết kế, chế tạo hệ thống sản xuất phân bón tan chậm công suất 10.000 tấn/năm. Thông qua việc cấy, hoặc sạ lúa kết hợp với vùi phân bón tan chậm trên cánh đồng trồng lúa chất lượng cao, cộng với việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh đã đem lại những kết quả hết sức khích lệ: giảm 50% lượng phân bón; chỉ bón 1 lần, trong lúc cấy hoặc sạ lúa; không cần dùng thuốc diệt cỏ; tăng năng suất 10%...

Việt Nam hàng năm sử dụng trên 11 triệu tấn phân hóa học, giảm 50% lượng phân bón hóa học tương đương 5,5 triệu tấn. Đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế và môi trường.

Đầu tư sản xuất các hệ thống thiết bị sản xuất phân bón tan chậm mà Việt Nam chủ động về công nghệ và kỹ thuật cơ khí chế tạo hệ thống thiết bị sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường to lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ khí nông nghiệp Việt Nam: Thua trên ruộng nhà và thắng trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO