Cơ hội vàng để khôi phục và phát triển nhanh nền kinh tế

VỸ PHƯỢNG| 17/05/2020 12:32

KHPTO - Chiến thắng sớm dịch bệnh Covid-19 so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang có cơ hội vàng để khôi phục và phát triển nhanh nền kinh tế. Tuy nhiên, để “kích hoạt” lại các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau một thời gian ngưng trệ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của doanh nghiệp cũng như việc triển khai nhanh chóng các giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tìm cơ hội trong thách thức

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp về khôi phục lại nền kinh tế sau dịch (ngày 9/5), tổng giám đốc Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: “Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, khi Thủ tướng ra lệnh giãn cách xã hội, ngành du lịch gần như đóng cửa toàn bộ. Tuy nhiên, với việc mở cửa trở lại, có nhiều cơ hội cho ngành du lịch khi Việt Nam được coi là điểm sáng phòng chống dịch Covid-19. Trước cơ hội này, tổng giám đốc Viettravel đề nghị toàn ngành du lịch tận dụng ngay cơ hội, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, triển khai có hiệu quả chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn”. Nếu chúng ta làm tốt chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn” thì với những thị trường đã có sự phục hồi, chuyển giai đoạn sau dịch bệnh, Việt Nam sẽ có thể thu hút được khách quốc tế từ quý 4. Với thị trường trong nước, ngành du lịch cần tập trung để giữ khách nội địa.

Đối với ngành dệt may, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động. Mặt khác, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch Covid-19 làm gián đoạn, các doanh nghiệp càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước với nhau - đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam đánh giá.

Vấn đề khai thác thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp trước đây ít quan tâm do cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu luôn được mở rộng bằng các FTAs, nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do Covid-19, thì thị trường nội địa lại là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp. Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng nhận định, có cả thách thức và cơ hội với ngành trong bối cảnh mới. Về thách thức, sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”; lao động có thể sẽ thiếu và ngày càng khó khăn... Cùng với đó, tình trạng “treo ao” xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao; trong khi lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng. Về cơ hội, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch Covid-19, mà nguyên nhân là do quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng. Ngoài ra, các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam - ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định.

Hiệp hội cũng dự đoán sẽ có dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia sang Việt Nam, nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng, trong khi các sản phẩm thủy sản tiện dụng (ăn liền hoặc chỉ việc nấu chín) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới...

Đánh giá về mức độ phục hồi kinh tế của doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cho rằng, cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) tiến hành khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đây. Thực tế này cho thấy, sức sống và khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Nhiều doanh nghiệp, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, vẫn duy trì tỷ lệ việc làm ở mức rất cao.

(Minh chứng sống động nhất chính là ngành dệt may. Trong bối cảnh bất lợi của dịch Covid-19, ngành dệt may nhanh chóng chuyển đổi sản xuất khẩu trang với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt, đặc biệt là giữ chân và giải quyết việc làm cho 100% người lao động - PV).

Giải pháp để hồi phục và phát triển nhanh nền kinh tế

Để giúp doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh nền kinh tế, Bộ công thương tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội để rà soát, nắm bắt được thực trạng cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Theo đó, Bộ công thương sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn ở các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường châu Âu (EU), bộ trưởng nhận định, đây là thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới bởi diện mặt hàng rộng và nội dung cam kết rất sâu theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Đối với các khu vực, thị trường khác, đã có chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở các nước để rà soát, nắm chắc tình hình và lên phương án nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh và phục vụ nhu cầu thiết yếu sang thị trường các nước trong giai đoạn sau khi dịch bệnh kết thúc. Đối với thị trường trong nước, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và tổ chức lại để hoạt động hiệu quả hơn. Về dài hạn, Bộ công thương đã có chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể hơn để tái cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới. Qua đó cập nhật, xác định lại vị trí và giải pháp cụ thể cho từng thị trường, từng nhóm mặt hàng để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có nhiều biện pháp thiết thực giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm - thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định

Về việc này, theo thống đốc Lê Minh Hưng, đến ngày 8/5/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi vay cho khoảng 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng cũng cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp với số vay lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng với lãi suất thấp, từ 0,5 - 2,5%.

Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục khẳng định, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét có thể kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết. Ngay sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập đoàn công tác làm việc ở các địa phương, đặc biệt là các khu vực kinh tế trọng điểm để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Toàn hệ thống ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng đã được ban hành và triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội như gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ; gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; gói chính sách tài khóa 180.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất...

LDoanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vàng để khôi phục và phát triển nhanh nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO