Cơ hội tiếp cận một tư liệu quý

<_o3a_p>| 03/07/2009 18:24

Kỹ thuật chế tạo đồ dùng sinh hoạt, chế biến thực phẩm, làm đồ chơi, xây dựng kiến trúc, các kỹ thuật của các làng nghề ở nước ta đầu thế kỷ XX được mô tả trong tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” do Henri Oger, một người Pháp, thực hiện trong thời gian sống tại Việt Nam. Nhưng lần xuất bản đầu tiên, được cho là năm 1909, tác phẩm này chỉ được in 60 bản. Cho đến nay, ở nước ta hiện chỉ còn một bộ duy nhất đầy đủ 2 tập bản gốc được lưu giữ tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM. Vậy làm sao một người dân bình thường có thể tiếp cận tư liệu quý giá trên?

Không thể phí hoài tư liệu có giá trị khoa học và lịch sử, năm 2008, Viện viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội giao cho hai phó giáo sư Olivier Tessier và Philippe Le Failler hợp tác với Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM sưu tầm tư liệu nhằm tái bản tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam”. Một năm sau, năm 2009, tác phẩm rất hiếm này đã được tái bản bằng ba ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và trong bản tiếng Việt, toàn bộ chú thích bằng chữ Hán Nôm đều được dịch ra chữ quốc ngữ nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Văn Nguyên (Viện Hán Nôm). “Kỹ thuật của người An <_st13a_country-region><_st13a_place>Nam” được tái bản dưới hai dạng: sách và ấn phẩm điện tử. Kết cấu của tác phẩm gốc được giữ nguyên, gồm hai tập: tập 1 dày 160 trang là phần giới thiệu của tác giả kèm theo 30 trang tranh khắc và tập 2 dày 700 trang gồm hơn 4.000 hình vẽ, sơ đồ và tranh khắc. Lần tái bản này gồm 2.000 cuốn bằng giấy và 1.000 đĩa DVD. Công đoạn tái bản được thực hiện theo 2 bước: đầu tiên là làm sạch tấm hình bởi theo thời gian những bức tranh trên giấy dó đã phai mờ và cũ; bước thứ hai là thực hiện số hóa các hình vẽ để rồi in lên giấy. Tác phẩm tái bản có nhiều điểm khác bản gốc khi hai phó giáo sư đã phải sắp xếp lại 4.200 bức hình theo từng chủ đề nhất định, sau đó là minh họa bằng lời các hình vẽ.

Để có được ấn phẩm tái bản, hai phó giáo sư Olivier Tessier và Philippe Le Failler đã phải cất công đi tìm bản gốc và đã gặp không ít khó khăn vì bản gốc đã bị thất lạc sau một thế kỷ. Bản được lưu tại Thư viện quốc gia không đầy đủ dữ liệu, họ đã phải tìm đến Thư viện khoa học tổng hợp của TP.HCM để tìm bản có đầy đủ các bức hình hơn. Tuy nhiên, những bản khắc gỗ để thực hiện in cuốn sách vẫn chưa được tìm thấy. Hai nhà nghiên cứu trên phỏng đoán, khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, vợ góa của Henri Oger đã bán gia tài của chồng, trong đó có những bản khắc gỗ cuốn sách cho một trường đại học ở Nhật. PGS. Olivier Tessier nhận định: “Công nghệ in bằng bản khắc gỗ rất phức tạp và kỳ công, vì thế việc thực hiện phương pháp này với một số lượng lớn bức vẽ trong một cuốn sách là một điều đáng ngạc nhiên. Có thể nói, cuốn “Kỹ thuật của người An <_st13a_country-region><_st13a_place>Nam” là tác phẩm duy nhất lúc bấy giờ thực hiện cách làm này. Tuy nhiên, vào thời điểm cách đây 1 thế kỷ thì cuốn sách cũng chưa gây được tiếng vang có lẽ do hoàn cảnh lịch sử và một phần bởi cuốn sách được làm từ khá sớm nên sau này ít người biết đến”.

Với mong muốn mang đến cuộc sống mới cho công trình tư liệu gốc trước đây, cuốn sách tái bản đã ra mắt bạn đọc. Nhân dịp này, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM, Viện viễn đông bác cổ Pháp tổ chức triển lãm hình họa với chủ đề “Sự việc và hành động - thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX” kéo dài đến hết ngày 31/7/2009, tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM. Người xem sẽ hiểu thêm về quá trình Henri Oger thực hiện cuốn sách mà giới khoa học Pháp và Việt Nam đánh giá là “quý về giá trị khoa học và lịch sử, vì thể hiện nhiều phong tục, hình ảnh nền văn minh cổ và cận đại của người Việt không còn trong cuộc sống hiện đại”. Ông đã cùng một vài họa sĩ Việt đi khắp các phố phường Hà Nội, cũng như vùng ngoại thành nhằm thống kê và tìm hiểu sự đa dạng của các ngành công thương nghiệp phổ biến ở đây (như làm giấy, dệt vải, vẽ tranh, buôn bán...) cho đến những công việc hàng ngày của người Việt đầu thế kỷ XX (như làm bánh chưng, gánh hàng rong, làm nông...) và cả những thói quen, nếp sinh hoạt, các hoạt động vui chơi (như hái dừa, thổi sáo, chơi đàn...). Để thực hiện được 4.200 bức ảnh và in bằng phương pháp độc bản trên 700 bản khắc gỗ, Henri Oger đã phải nhờ đến 3 người bạn Việt Nam vẽ lại các ký họa, sau đó là in trên giấy dó.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội tiếp cận một tư liệu quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO