Cơ hội mới của bất động sản từ chính sách và thị trường

Theo chinhphu.vn| 20/07/2020 07:44

KHPTO - Vừa qua, tại Diễn đàn bất động sản năm 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bất động sản, xây dựng là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, đồng thời kéo theo các lĩnh vực liên quan phát triển. Tuy nhiên cùng với vai trò là động lực phát triển, lĩnh vực này đồng thời có nguy cơ gây bất ổn định nền kinh tế nếu chúng ta không kiểm soát.

Dẫn ra số liệu cụ thể, ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ, vốn đầu tư FDI cho bất động sản cũng giảm mạnh trong những tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh 94% trong quý 1/2020, tồn kho bất động sản tăng.

Chủ tịch VCCI cho rằng điều đầu tiên cần là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có. Nhận định đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực các gói hỗ trợ, đồng thời, mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi.

Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế nói chung, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch hiệu quả. Cụ thể, đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ. Theo đó, giải pháp về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Cùng với đó, ông Sinh cho biết, dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý 3/2020.

Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này. Đồng thời, Chính phủ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó dự kiến sẽ có nhiều điểm mới tháo gỡ những rào cản, vướng mắc nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.

Tiếp đó, là vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật xây dựng.

Tiếp cận dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Dennis Ng Teck Yow, tổng giám đốc Gamuda Land TP.HCM cho biết: Những chính sách đầu tư nước ngoài và các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động đang mở ra nhiều cơ hội. So với các nước khác, hoạt động tại Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn sau đại dịch Covid-19.

“Bên cạnh đơn giản thủ tục hành chính, chúng tôi mong muốn hơn việc minh bạch các chính sách pháp luật, đồng thời các quy định về phê duyệt đầu tư nhanh chóng hơn sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường này”, ông Dennis Ng Teck Yow kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội mới của bất động sản từ chính sách và thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO