Cơ giới hóa - xu hướng tất yếu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài, ảnh: TRUNG DUNG| 15/10/2020 07:54

KHPTO - Trong định hướng phát triển thời gian tới, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, thành phố sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp CNC gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố; phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp công nghiệp cao. Và một trong 12 chương trình trọng điểm là chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp CNC giai đoạn 2020 - 2030.

Theo thống kê của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM, hiện diện tích đất nông nghiệp thành phố khoảng 114 ngàn ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66 ngàn, đất lâm nghiệp 35.684 ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798 ha.

Tổng số hộ đang sản xuất nông nghiệp hơn 25.300, trình độ lao động ngày càng được tăng cao với tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo hơn 70%. So với các địa phương ở nước ta, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố không nhiều. Tuy nhiên, thành phố có vị trí trung tâm, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Với lợi thế này, thành phố đã sớm định hướng xây dựng nền nông nghiệp dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các địa phương Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, thành phố hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu có giá trị cao như hoa lan, cá cảnh, tổ yến. Thành phố đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp CNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ với diện tích gần 90 ha và dự án mở rộng khu nông nghiệp CNC hiện hữu thêm hơn 23 ha tại huyện Củ Chi... Đây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao cung cấp cho khu vực phía Nam và cả nước.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP.HCM luôn chú trọng phát triển theo hướng chuyển dịch nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp CNC, công nghệ sinh học. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy năng suất lao động của ngành nông nghiệp thành phố tăng bình quân 21% một năm.

Giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp năm 2019 đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn TP.HCM năm 2019 đạt hơn 63 triệu đồng/người, tăng gần 59% so với năm 2015. Bước đầu, hoạt động của Khu nông nghiệp CNC, Trung tâm công nghệ sinh học và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa CNC... có hiệu quả, có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ giới hóa - xu hướng tất yếu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO