Cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi nylon trong sinh hoạt

THANH AN| 03/01/2019 13:53

KHPTO - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Hiện nay, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các công cụ pháp lý, công cụ kinh tế nhằm khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sản xuất và tiêu dùng các loại túi thân thiện với môi trường, đồng thời hạn chế việc sử dụng tràn lan và thải bỏ túi nylon khó phân hủy ra môi trường. Có thể xác định các nhóm biện pháp đã và đang tiếp tục được thực hiện như sau:

Bộ tài nguyên và môi trường đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục đăng ký, công nhận túi nylon thân thiện với môi trường nhằm khuyến khích việc sản xuất và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường thay thế cho các loại túi nylon khó phân hủy (bao gồm các loại túi có khả năng tái chế, tái sử dụng và túi có khả năng tự phân hủy sinh học); phối hợp với Bộ công thương, Bộ khoa học và công nghệ, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch và các địa phương triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện quy định công nhận các loại túi nylon thân thiện với môi trường; tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp trong việc tăng cường sản xuất và sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú thay thế cho các loại túi nylon khó phân hủy; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của túi nylon…

Bộ tài chính đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định nâng mức thuế đối với túi nylon khó phân hủy, không phải là túi thân thiện với môi trường; đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện với môi trường như hỗ trợ về đất đai, miễn giảm thuế…

Bộ khoa học và công nghệ đã hướng dẫn các phòng thử nghiệm trong nước nâng cao hiệu quả đầu tư thiết bị thử nghiệm sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng cơ hội thử nghiệm sản phẩm thân thiện với môi trường trong nước.

Các địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...) triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Với các hoạt động đã thực hiện, thực tế cho thấy, túi nylon thân thiện với môi trường đang dần có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt đã hiện hữu trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 42 sản phẩm túi nylon của 37 doanh nghiệp được công nhận thân thiện với môi trường và lưu thông trong hệ thống các siêu thị nói trên tại các thành phố, như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Khoảng 70 - 80% số siêu thị và trung tâm thương mại đã sử dụng các loại túi nylon thân thiện với môi trường thay thế cho các loại túi nylon khó phân hủy.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng túi nylon và vật liệu nhựa vẫn gia tăng, xuất phát từ những nguyên nhân chính sau: nhận thức của người dân trong việc phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn thấp; thói quen sử dụng chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy còn phổ biến; nhận thức của cơ sở sản xuất và cộng đồng về túi nylon thân thiện với môi trường còn cứng nhắc; cơ sở hạ tầng và nguồn lực đầu tư cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; túi nylon thân thiện với môi trường giá thành còn cao; thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy còn thấp; chưa khuyến khích phát triển thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 chưa liên tục và đồng bộ.

Hiện nay, Bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ- TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 582/ QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; phối hợp với Bộ tài chính và một số bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi nylon thân thiện với môi trường trong nước, như: hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường; xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy sinh học; tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi nylon khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi nylon khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nylon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi nylon trong sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO