Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi

Thanh Thúy| 23/11/2017 10:15

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

Tại hội thảo “Giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới của khối Nhà nước và doanh nghiệp - lĩnh vực chăn nuôi” tại tỉnh Nghệ An, TS. Hạ Thúy Hạnh - phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia nhấn mạnh, trong thời gian qua, để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, các TBKT đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi tại các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Các nghiên cứu về giống, dinh dưỡng và thức ăn, phương thức chăn nuôi, thú y... đã được áp dụng vào thực tế sản xuất. 
Trong thời gian từ năm 2009 đến 2016, đã có 72 TBKT được công nhận, trong đó: Giống vật nuôi có 38 TBKT cho các đối tượng heo, gà, vịt, ngan, ngan lai vịt, ong tằm. Thức ăn chăn nuôi có 5 TBKT về quy trình sản xuất và chế phẩm sinh học. Môi trường chăn nuôi có 7 TBKT về quy trình xử lý biogas và các mẫu công trình khí sinh học. Quy trình chăn nuôi và các công nghệ khác có 22 TBKT về các quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng bệnh. 
Hàng năm, bằng nguồn kinh phí trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 - 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi, để chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này. Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng tổ chức hàng trăm điểm trình diễn, giới thiệu các TBKT cho nông dân. Cụ thể như các mô hình: xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc; cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; vỗ béo bò thịt trong nông hộ; chăn nuôi heo sinh sản áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ; phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã; chăn nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ... Thông qua các mô hình trên, hàng ngàn nông dân đã được học tập kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi về an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Một số kết quả áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi
- Giống bò sữa Holstein Friesian (HF), từ năm 2001, giống bò chuyên dụng sữa HF thuần cao sản (có năng suất sữa trên 7.500 kg/chu kỳ) được Viện chăn nuôi - Bộ NN&PTNT nhập từ bang California Hoa Kỳ. Từ năm 2009 - 2012, các doanh nghiệp lớn như TH Milk, Vinamilk đã nhập trên 20.000 bò sữa HF từ Australia và New Zealand tập trung nuôi quy mô lớn tại tỉnh Nghệ An. Với việc ứng dụng công nghệ đồng bộ về giống năng suất cao, ứng dụng chuồng trại có khả năng chống bức xạ nhiệt mặt trời, giảm nhiệt độ chuồng nuôi, nuôi bò bằng sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR, đến nay đã có 52.000 con giống bò sữa HF năng suất cao (chiếm 31% tổng đàn) cho năng suất sữa từ 6.500 - 7.600 kg/chu kỳ 305 ngày được nuôi ở nước ta.
- Tinh trùng cọng rạ đông lạnh tại Trạm nghiên cứu và sản xuất đông lạnh Moncada - Trung tâm giống gia súc lớn trung ương. Mỗi năm cung cấp 500.000 liều tinh cho sản xuất, trong đó có 330 ngàn liều tinh trùng đông lạnh bò đực giống thịt Brahman, số tinh này được phối giống sản xuất ra 200 - 220 ngàn bò lai.
- Hệ thống chăn nuôi heo 4 cấp:  cụ kỵ (GGP) - ông bà (GP) - bố mẹ (PS)- thương phẩm (C). Xu hướng chăn nuôi theo chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu giống - nuôi dưỡng - chế biến - thị trường. Hiện nay, ở Việt Nam đã có khoảng 5 chuỗi sản xuất theo mô hình  4 cấp với quy mô khoảng 0,5; 1,5; 2,0 triệu heo thịt hàng hóa/chuỗi đang hoạt động ở nước ta. Bên cạnh đó còn có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi chăn nuôi heo 3 cấp. Theo thống kê, trung bình, mỗi năm Việt Nam chuyển giao vào sản xuất 1.700 con heo giống ông bà, bố mẹ.
Bên cạnh đó, nhiều giống gà thịt, gà công nghiệp chuyên trứng được ứng dụng giúp tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi xác định các vấn đề trọng tâm cần triển khai gồm: áp dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, kiểm soát dịch bệnh, sản xuất chăn nuôi theo chuỗi nâng cao giá trị bền vững. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tăng cường công tác nghiên cứu về công nghệ mới trong nuôi dưỡng đàn vật nuôi. Tăng cường nhập khẩu các giống TBKT của thế giới. Đẩy mạnh phổ biến kỹ thuật, các TBKT, chuyển giao công nghệ chăn nuôi công nghiệp hàng hóa cho người chăn nuôi.
Các giải pháp cụ thể:
- Về công tác giống: nghiên cứu và chuyển giao những giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp vùng, miền và thích ứng biến đổi khí hậu.
- Về thức ăn chăn nuôi: nghiên cứu thử nghiệm các công thức thức ăn, cân đối khẩu phần ăn, tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ của địa phương để giảm chi phí chăn nuôi.
- Về phương thức chăn nuôi: đề xuất các phương thức chăn nuôi phù hợp với quy hoạch của từng vùng và của từng địa phương.
- Về thú y và bảo vệ đàn vật nuôi: đẩy mạnh việc nghiên cứu và chuyển giao về an toàn sinh học trong chăn nuôi, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu.
- Về môi trường chăn nuôi: tăng cường nghiên cứu và chuyển giao các TBKT về xử lý môi trường có hiệu quả trong chăn nuôi để áp dụng rộng rãi trong sản xuất.
- Về chính sách: cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao TBKT và công nghệ mới trong chăn nuôi; triển khai các chính sách đã được ban hành như Quyết định 50/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, giúp người chăn nuôi có điều kiện để tiếp cận với TBKT.
Với định hướng thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi và tham gia hội nhập TPP, ngành chăn nuôi đang nỗ lực nghiên cứu tạo ra nhiều TBKT hơn nữa và chuyển giao áp dụng các công nghệ mới trong chăn nuôi đáp ứng yêu cầu của sản xuất chăn nuôi hiện nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO