Chuyển giao công nghệ vẫn còn do tự phát của giảng viên

Anh Thư| 09/04/2018 08:14

KHPTO - Ngày 6/4, tại Nhà điều hành Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM), Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cùng ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ phía nam”.

Hoạt động chuyển giao công nghệ chưa mang tính bền vững

PGS.TS. Huỳnh Quyền nhận xét, các nghiên cứu trước đây về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ (NCKH&CGCN) và kết quả thực tiễn về hoạt động NCKH&CGCN của một số trường đại học viện nghiên cứu tiêu biểu ở nước phát triển cho thấy, mô hình NCKH&CGCN phù hợp là yếu tố cơ bản và quyết định hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học để chuyển giao ứng dụng vào doanh nghiệp. Một mô hình CGCN hiệu quả luôn được xây dựng dựa trên các chính sách, luật sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc thù của tổ chức của các đơn vị thực hiện triển khai nghiên cứu và đặc biệt là phù hợp trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia.

ĐHQG-HCM là một trung tâm NCKH&CGCN lớn trong cả nước, trong những năm qua, ĐHQG-HCM luôn luôn đi đầu trong kết quả về doanh thu CGCN, tuy nhiên, hoạt động CGCN chưa thật sự theo một mô hình hoặc quy trình thực thụ. Phần lớn các hoạt động CGCN vẫn còn là hoạt động tự phát của giảng viên, các nghiên cứu viên từ các đơn vị trong hệ thống. Hoạt động CGCN chưa mang tính bền vững và cần được cải thiện.

Phần lớn vai trò của trường, viện vẫn còn tách rời vai trò của doanh nghiệp trong việc hình thành các công nghệ theo hình thức nghiên cứu khoa học chuyển giao, và điều này có nghĩa là chưa tồn tại chính thức một liên kết bền vững giữa trường đại học và doanh nghiệp, hay nói cách khác, hoạt động NCKH&CGCN chưa được dựa trên một quy trình hay mô hình CGCN mà thực tế các tổ chức nghiên cứu trên thế giới đang áp dụng.

ĐHQG-HCM là đơn vị có kết quả CGCN hàng đầu trong cả nước dựa trên doanh thu hằng năm của hoạt động này. Từ năm 2001 đến 2016, doanh thu hoạt động CGCN của ĐHQG-HCM tăng mạnh và hiện nay đạt trung bình hơn 200 tỷ/ năm.

Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động CGCN được tính trên tổng doanh thu của tất cả các hoạt động bao gồm dịch cụ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo và chuyển giao ứng dụng các kết quả từ NCKH… Tỷ lệ doanh thu cho hoạt động CGCN từ các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ chiếm 10 - 12%. Về sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ, theo thống kê đến tháng 6/2017, các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM đã nghiên cứu chế tạo được tổng cộng 133 sản phẩm ứng dụng. Trong đó, số sản phẩm có thể ứng dụng chuyển giao ngay là 39 chiếm 29%, sản phẩm ứng dụng trong giảng dạy – NCKH là 5, chiếm 4%, một số sản phẩm còn lại cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoàn thiện là 89 sản phẩm, chiếm 67%. Như vậy, có thể thấy hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm KHCN có thể ứng dụng vào thực tiễn vẫn còn hạn chế đối với ĐHQG-HCM.

Phần lớn các hoạt động CGCN trong hệ thống được thực hiện qua các trung tâm nghiên cứu trực thuộc các đơn vị thành viên ĐHQG hoặc các trung tâm, viện nghiên cứu trực thuộc ĐHQG-HCM. Nhìn chung các hoạt động này mang tính rời rạc, tự phát, chưa thật sự là một hoạt động theo một quy trình mà ở đó có các hệ thống các văn bản quy định, các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và đặt biệt là chưa có các bộ phận chuyên trách cấp quản lý ở các đơn vị thành viên hay ĐHQG-HCM phụ trách về hoạt động này.

Với hoạt động đăng ký SHTT, từ năm 2010, sự ra đời của Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ( SHTT&CGCN) – ĐHQG-HCM đã thúc đẩy được hoạt động đăng ký SHTT từ các hoạt động NCKH tại ĐHQG-HCM, tuy nhiên hoạt động của Trung tâm chưa thực sự là đầu mối và kết nối trong toàn hệ thống về hoạt động SHTT. Với những chức năng và quyền hạn giới hạn của mình hiện có, TT SHTT&CGCN chưa có thể thực sự quản lý và thúc đẩy được hoạt động CGCN trong toàn hệ thống một cách hiệu quả.

Mô hình chuyển giao công nghệ hiện đại

PGS.TS.Huỳnh Quyền và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu đã đề xuất một mô hình CGCN hiện đại, bền vững có thể được áp dụng tại ĐHQG-HCM. Có 3 phương thức để triển khai thực hiện chuyển giao các kết quả nghiên cứu đến doanh nghiệp:

Hướng 1: Thực hiện CGCN chính thống, cụ thể kết quả nghiên cứu được hình thành sẽ được đánh giá thông qua bộ phận được gọi là phòng CGCN, căn cứ luật SHTT hiện hành và các thoả thuận giữa doanh nghiệp và trường đại học trong quá trình đầu tư nghiên cứu mà các sáng chế sẽ được hình thành. Trên cơ sở định giá và thoả thuận giấy phép sử dụng mà kết quả nghiên cứu sẽ được đưa vào ứng dụng theo mô hình công ty tiếp nhận sử dụng hoặc hình thành công ty mới.

Hướng 2: Thực hiện CGCN theo đường không chính thống, cụ thể kết quả nghiên cứu sẽ được tiếp nhận bởi bộ phận được gọi là phòng CGCN của đơn vị, trên cơ sở thở thuận giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu ( ĐHQG-HCM hay đơn vị thành viên, hoặc trực thuộc) để triển khai sử dụng kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp.

Hướng 3: Hoạt động CGCN được triển khai theo những văn bản thoả thuận có pháp lý được ký kết giữa doanh nghiệp và trường đại học.

Mô hình CGCN đề xuất đầy đủ các trường hợp và đảm bảo các yếu tố về tính pháp lý đang được quy định tại Việt Nam trong hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp. Một điểm nhận thấy trong mô hình này là sự kết nối chặc chẽ với doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề KHCN theo yêu cầu thực tiễn và nền tảng cho sự kết nối bền vững này là hoạt động sở hữu trí tuệ.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển giao công nghệ vẫn còn do tự phát của giảng viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO