Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Xu hướng tất yếu

Bài, ảnh: TUYẾT MAI| 24/06/2022 19:29

KHPTO - Giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại là để giúp các nhà nông, các doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật tri thức mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển chung chứ không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế.

Đây chính là nội dung trọng tâm tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay”. Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM (Liên hiệp Hội) phối hợp cùng Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức trong sáng ngày 24/6/2022.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước - chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Hiện nay, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số - kinh tế nông nghiệp số - nông dân số. Ngày 19/8 hàng năm được Bộ NN & PTNT lấy làm Ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cùng với đó, Bộ NN & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN & PTNT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ này triển khai ở Trung ương và địa phương. Trong năm 2022, Bộ NN & PTNT lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.

Tuy nhiên, cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà để giúp các nhà nông, các doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật tri thức mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển.

Theo PGS.TS. Dương Hoa Xô - phó chủ tịch Liên hiệp Hội, với nông dân và người dân nông thôn, hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Trình độ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ở ta còn thấp, nhiều nơi vẫn đang ở giai đoạn đầu, chuyển từ thủ công sang cơ khí hóa.

Chuyển đổi số là thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và đời sống nhờ sử dụng dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số bao gồm 3 lĩnh vực: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. Cả 3 lĩnh vực này đều sẽ có tác động rất lớn đến nông nghiệp, nông thôn. Do đó, PGS.TS. Dương Hoa Xô cho rằng, phát triển nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới; Việt Nam cần thiết phải chuyển đổi số trong nông nghiệp do nhiều lợi ích mà nông nghiệp số mang lại, như tạo ra sự liên tục trong sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí, tăng hiệu lực, hiệu quả của giám sát, tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, tạo ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn… Bên cạnh đó, Việt Nam cần thiết phải phát triển nông nghiệp số để giải quyết nhiều khó khăn mà nông dân hay gặp phải, dễ thấy nhất là nông dân không bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng nên giá thường thấp; không tạo ra sự khác biệt về nông sản vì thiếu xuất xứ, không thương hiệu; nông dân mua đầu vào không biết có đúng giá, đúng chất lượng; thiếu kết nối; thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo…

Quyết định số 749/QD-TTG ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 và chỉ sau đúng 1 tháng, TP.HCM đã công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM. Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố chương trình chuyển đổi số.

Hiện nay, ngành nông nghiệp của TP.HCM đang được chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp TP.HCM tăng bình quân 21,1%/năm.

“Chính phủ số và xã hội số sẽ mang lại cơ hội tăng cường khả năng kết nối cho nông dân và người dân nông thôn với nhiều thông tin bổ ích, khắc phục một phần khoảng cách về địa lý, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp hiện nay để được sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Chính phủ”, PGS.TS. Dương Hoa Xô, nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Xu hướng tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO