Chuyển đổi số - Giải pháp phát triển kinh tế tập thể

NHƯ QUỲNH| 06/09/2021 12:54

KHPTO - Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đã xác định: một trong những giải pháp để thực hiện kế hoạch này là hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, chuyển đổi số.

Trong chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, HTX chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.

Các nhà khoa học đều khẳng định: ngành nông nghiệp, nhất là các HTX lúc này sẽ không thể đặt trong bối cảnh đơn lẻ, đứng một mình mà phải nằm trong cấu trúc chung của nền kinh tế số, để đồng tốc với sự phát triển chung của công nghiệp 4.0, đó là công nghệ robot, automation (tự động hóa), IT (công nghệ thông tin), IoT (công nghệ Internet kết nối vạn vật), Drone (thiết bị không người lái), thương mại điện tử, marketing số big data, AI (trí tuệ nhân tạo).

Công nghệ số có thể cải thiện quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và hóa chất, sản xuất các loại cây trồng khỏe mạnh hơn và năng suất cao hơn; tất cả đều có lợi cho nông dân, gia tăng lợi nhuận và bảo tồn tài nguyên, trong khi giảm tác động từ phân bón hóa học. Do đó, cần có những giải pháp ứng dụng thích hợp để đưa công nghệ số thực sự là một trong những nhân tố thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.

Theo TS. Lê Đức Thịnh - cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (thuộc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn), thực hiện song song việc xây dựng, tích hợp và kết nối và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) đối với các thực thể HTX là biện pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cải cách hành chính chuyển từ quản lý sang dịch vụ, phục vụ: tăng cường tương tác giữa HTX, thành viên với cơ quan QLNN; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thương hiệu của HTX; nâng cao hiệu quả của QLNN với HTX để đưa ra các chính sách quản lý sát thực tiễn hơn đáp ứng yêu cầu phát triển, mặt khác nhằm giảm chi phí (thời gian, tiền bạc) cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc chuyển đổi số còn gặp phải một số thách thức, như nhận thức và hiểu biết của một số người đứng đầu HTX; chất lượng nguồn nhân lực phía HTX để hấp thụ công nghệ còn hạn chế; các nền tảng, dữ liệu (data) và công nghệ; chi phí.

Trong thời gian qua, Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đã thực hiện chuyển đổi số trong QLNN về HTX: đã xây dựng phần mềm phục vụ quản lý nhà nước liên cấp; đang và sẽ tiếp tục xây dựng dữ liệu đa mục tiêu; cung cấp dịch vụ công và đào tạo từ xa.

Giải pháp chuyển đổi số

TS. Phạm Vũ Minh Tú - Học viện công nghệ bưu chính viễn thông, đưa ra một số khuyến nghị chuyển đổi số cho nông nghiệp, đó là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỉ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Xây dựng một nông thôn văn minh cho đặc thù văn hóa Việt Nam, gắn liền với mô hình nông thôn mới (nâng cao) của Việt Nam.

Theo TS. Tú, để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn và cơ sở trí thức của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp (trên không, mặt đất) phục vụ hoạt động nông nghiệp; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; chuẩn hóa và tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tự động hóa, cơ giới hóa sản xuất, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến một nền nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ; đảm bảo nhanh chóng, minh bạch chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm với các ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, cần đào tạo kỹ năng cho người nông dân, công nhân nông nghiệp ứng dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo. Đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có chính sách điều hành kịp thời trong phát triển nông nghiệp, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - Giải pháp phát triển kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO