Chuyển đổi số báo chí – Nếu chậm thay đổi sẽ mất độc giả

Nguồn: Vietnam+| 21/06/2022 07:23

Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở thời điểm dịch bệnh hay một giai đoạn nào mà phải là một quy trình tiếp diễn liên tục. Môi trường tiếp nhận thông tin đã thay đổi, độc giả đã thay đổi thói quen. Do vậy, nếu báo chí chỉ duy trì nền tảng cũ, cách làm cũ thì sẽ mất người đọc, mất vị thế và không thể phát huy vai trò tuyên truyền của mình.

Chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực báo chí nói riêng là vấn đề nóng hổi được thảo luận tại nhiều diễn đàn trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, hai năm “chiến đấu” với dịch bệnh COVID-19 khiến các ngành, nghề đều phải chuyển mình để thích nghi và tồn tại.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở thời điểm dịch bệnh hay một giai đoạn nào mà phải là một quy trình tiếp diễn liên tục. Môi trường tiếp nhận thông tin đã thay đổi, độc giả đã thay đổi thói quen. Do vậy, nếu báo chí chỉ duy trì nền tảng cũ, cách làm cũ thì sẽ mất người đọc, mất vị thế và không thể phát huy vai trò tuyên truyền của mình. 

Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với độc giả báo VietnamPlus những vấn đề của báo chí hiện nay trong công cuộc chuyển đổi số.

“Chúng tôi không thể làm thay cơ quan báo chí”

* Thưa nhà báo, Đại hội lần thứ XI của Hội nhà báo đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này là chuyển đổi số. Vấn đề này cũng đã được thảo luận trong Hội báo toàn quốc vừa qua. Vậy xin ông cho biết vấn đề này đã được cụ thể hóa như thế nào?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Chuyển đổi số là một trong những định hướng lớn của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ này. Nói đúng ra là Hội Nhà báo xác định mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số. Chúng tôi không thể làm thay các cơ quan báo chí trong nhiệm vụ này.

Chuyển đổi số là nhu cầu cấp bách hiện nay đối với báo chí, với những người làm báo. Trên thực tế, không phải chỉ trong lĩnh vực báo chí mà chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ và không thể đảo ngược trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Báo chí tất nhiên nằm trong xu hướng đó.

Mặc dù chúng ta đã đề cập nhiều đến thuật ngữ này, nhưng để hiểu rõ chuyển đổi số là gì, bản chất của nó, thực hiện nó như thế nào và nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là làm những gì thì chúng ta cần phải nghiên cứu thêm.

Tôi cho rằng hiện nay một số các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số một phần. Người làm báo đã áp dụng một số phương thức tác nghiệp mới, sử dụng công nghệ hiện đại, tổ chức các tòa soạn theo hướng đa phương tiện, tòa soạn hội tụ. Công chúng cũng đang được tiếp cận với các sản phẩm thông tin đa dạng, hiện đại.

Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ, toàn diện chuyển đổi số thì trước hết, chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Điều đó nghĩa là thay đổi ngay từ cách quản lý, quản trị một tờ báo cũng như xây dựng đội ngũ những con người am hiểu công nghệ, có phương thức tác nghiệp hiện đại. Thứ hai là việc tổ chức sản xuất thông tin cũng phải diễn ra theo hướng số hóa tất cả các công đoạn. Thứ ba, các tòa soạn cần xây dựng kho dữ liệu lớn, hoặc tham gia kho dữ liệu dùng chung (big data). Điều cuối cùng là đầu tư cho những trang thiết bị làm báo hiện đại.

Tóm lại, muốn chuyển đổi số thì các cơ quan báo chí phải có nguồn lực bao gồm nhân lực và tài lực, tức là tài chính để đầu tư. Ngoài ra, báo chí không thể thiếu sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản, của Nhà nước. 

Con đường chuyển đổi số còn rất dài và chúng ta cần phải làm nhanh bởi con người thời đại hiện nay đã thay đổi, báo chí cũng phải thay đổi nhanh để đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả.

* Để thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số thì vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng. Những năm vừa qua, chúng ta đã nói rất nhiều đến chuyển đổi số. Ông có đánh giá thế nào về sự chuyển biến trong tư tưởng, cách làm của những người đứng đầu các cơ quan báo chí hiện nay?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Đúng vậy, để chuyển đổi số thành công thì quyết tâm của người đứng đầu là một trong các yếu tố quan trọng. Khi người lãnh đạo quyết tâm và có khả năng, hiểu biết về chuyển đổi số thì mọi việc sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, tôi cho rằng người đứng đầu có thể không am hiểu về chuyển đổi số nhưng có quyết tâm thì vẫn có thể thực hiện được.

Thời gian qua, chúng ta đã thấy nhiều lãnh đạo của các cơ quan truyền hình, phát thanh, báo điện tử bộc lộ rõ quyết tâm này. Một số tờ báo đã đổi mới rất quyết liệt cách thức truyền tải thông tin đến độc giả.

Tôi có một ví dụ rất rõ ràng là nhà báo Lê Quốc Minh, trước đây là Tổng biên tập của Báo điện tử VietnamPlus, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và hiện nay là Tổng biên tập Báo Nhân dân. Có thể nói VietnamPlus là tờ báo đi đầu trong việc hiện đại hóa hoạt động của mình trên các nền tảng số, tạo ra các sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn như megastory, long-form, podcast…

Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy nhiều nhà lãnh đạo còn có tâm lý ngại thay đổi, chưa dám tiếp nhận những điều mới mẻ, chưa thể hiện được quyết tâm chuyển đổi số.

Đứng trước một vấn đề mới đi kèm với nhiều thách thức, yêu cầu thì họ cảm thấy e dè, né tránh. Đó là điều dễ hiểu nhưng đứng trước xu thế tất yếu của thời đại, người nào không thay đổi thì sẽ bị thay thế, tòa soạn nào không thay đổi thì sẽ mất độc giả. Nói cách khác là bị gạt sang bên lề dòng chảy của sự phát triển.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng là chuyển đổi số thực chất là các cơ quan báo chí đang thay đổi cách tăng doanh thu, thông qua việc thu hút độc giả để từ đó án quảng cáo cũng như thực hiện thu phí người dùng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Có một thực trạng là các cơ quan báo chí, nhất là báo in, đang bị sụt giảm về doanh thu quảng cáo. Nguồn thu này đã bị san sẻ cho các kênh truyền thông mạng xã hội.

Việc thu phí độc giả đã xuất hiện trên thế giới từ lâu còn ở Việt Nam thì mới xuất hiện vài năm gần đây và cũng mới có vài tờ báo thực hiện nội dung thu phí, nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là thói quen đọc báo miễn phí của người Việt rất khó thay đổi và các cơ quan báo chí chưa có sản phẩm đủ hấp dẫn.

Muốn thu phí thì chúng ta phải có những tác phẩm thực sự giá trị, những bài phân tích sâu và có những dữ liệu quý giá, tiếp cận được đúng đối tượng độc giả có nhu cầu.

Để giải quyết vấn đề này thì các cơ quan báo chí cần những cây bút có năng lực, những chuyên gia công nghệ để tạo ra những sản phẩm có nội dung chất lượng, có sức hút. Bên cạnh những dòng chữ truyền thống, cần tô điểm thêm cho sản phẩm báo chí bằng hình ảnh, đồ họa, video…

Đau đầu bài toán nhân lực

* Xin ông chia sẻ những khó khăn trong việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí địa phương cũng như sự hỗ trợ của Hội Nhà báo để giúp các cơ quan báo chí đẩy nhanh tiến trình này?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Như tôi đã nói, việc chuyển đổi số hiện nay diễn ra chưa đồng đều. Theo quan sát của Hội, các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Các cơ quan báo chí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thái Nguyên… đã có những bước tiến tương đối xa về thực hiện chuyển đổi số.

Muốn thực hiện chuyển đổi số thì cần có nguồn lực mà đây lại là điều các cơ quan báo chí ở các địa phương đang rất thiếu, đặc biệt là các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Nói về vai trò của Hội Nhà báo địa phương, chúng tôi có thể hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật những kiến thức, kỹ năng, xu hướng báo chí hiện đại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp giữa Hội Nhà báo các cấp với cơ quan báo chí các địa phương trong trao đổi thông tin, kỹ năng làm báo hiện đại; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp các cơ quan báo chí địa phương trong ứng dụng công nghệ làm báo, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, vượt qua sự cạnh tranh của mạng xã hội và nhiều kênh thông tin như hiện nay…

Thêm vào đó, Hội đã đang và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia lên tiếng, đóng góp ý kiến, tham mưu xung quanh các vấn đề của Luật Báo chí, tạo hành lang pháp lý một cách thuận lợi cho báo chí phát triển.

Về tổng thể, bước vào giai đoạn bình thường mới, chúng tôi xác định phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam vào hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Tinh thần “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” sẽ là chủ trương nhất quán của nhiệm kỳ này.

* Thưa ông, quá trình chuyển đổi số sẽ thay đổi cách vận hành một cơ quan báo chí, trong đó một số quy trình được hiện đại hóa, số hóa, không cần đến nhân lực thủ công nữa. Vậy Hội Nhà báo Việt Nam có nghĩ đến điều này không và giải pháp cho vấn đề con người là như thế nào?

- Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Quả thực đó là vấn đề khó khăn và đau đầu đối với những người làm công tác quản lý. Họ sẽ phải đứng trước bài toán tinh giản nhân sự. 

Rõ ràng, đã thực hiện chuyển đổi số thì chúng ta cũng phải chuyển đổi mô hình sản xuất, tổ chức thông tin, sẽ có những người bị gạt sang bên lề nếu tư duy, năng lực của họ không đáp ứng được nhiệm vụ.

Tất nhiên, chúng ta không cực đoan đến mức “đẩy” họ ra khỏi tổ chức mà lãnh đạo cơ quan phải tìm ra phương thức tái cơ cấu nhân sự, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho họ những kiến thức mới về các loại hình báo chí mới. Nếu họ vẫn không đáp ứng được thì phải tìm cho họ một công việc khác.

Có những quyết định rất khó khăn đối với người đứng đầu nhưng chúng ta phải đặt lợi ích của tập thể, của cơ quan lên trên hết. Hơn nữa, như tôi đã nói, ai không cải thiện mình, không theo kịp sự phát triển thì phải chấp nhận bị đào thải, không có chuyện cả tổ chức đứng chờ một người.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số báo chí – Nếu chậm thay đổi sẽ mất độc giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO