Chuyển biến tích cực trong hoạt động khoa học & công nghệ TP.HCM

TUYẾT MAI| 23/07/2014 09:44

(KHPT Online)  Đánh giá chung về hoạt động khoa học & công nghệ (KH&CN) tại TP.HCM trong 7 tháng đầu năm 2014, ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, hoạt động KH&CN của thành phố thời gian qua đã bước đầu khởi sắc trong việc triển khai các nhiệm vụ do UBND TP giao. Sự gắn kết giữa nghiên cứu với nhu cầu của thị trường luôn được chú trọng nhằm nâng cao tỷ lệ ứng dụng của đề tài, tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đề tài sau nghiệm thu.

Bên cạnh đó, sở cũng thúc đẩy việc đổi mới và chuyển giao công nghệ phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ; chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp; chương trình nâng cao năng lực thiết kế; chương trình Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, Quỹ phát triển KH&CN... Bước đầu, sở đã hỗ trợ doanh nghiệp về nhiều mặt như: tư vấn lựa chọn công nghệ, thiết bị, xây dựng thương hiệu, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất lượng theo ISO để đóng góp của KH&CN tích cực hơn trong tăng trưởng kinh tế bền vững của thành phố.

Các hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực trên các mặt: quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ, công tác thanh tra, kiểm tra, cùng với việc triển khai quản lý nhà nước về KH&CN tại quận, huyện. Sự phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện trong triển khai thực thi các hoạt động quản lý nhà nước cũng thường xuyên và hiệu quả hơn.

Bên cạnh một số mặt đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý công nghệ. Việc doanh nghiệp đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để được ưu đãi thuế giá trị gia tăng trên phần máy móc, thiết bị đi kèm (chiếm phần lớn giá trị của hợp đồng) được quy định tại Luật chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ưu đãi này không còn hiệu lực do bị điều chỉnh bởi Luật thuế giá trị gia tăng. Do đó, doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích cũng như sự hỗ trợ nào của Nhà nước khi thực hiện việc đăng ký.

Với các chương trình, dự án trọng điểm của thành phố, ông Phan Minh Tân cũng nêu rõ, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc thì doanh nghiệp xây dựng chương trình ứng dụng KH&CN chủ yếu theo chỉ đạo của UBND thành phố. Thực chất doanh nghiệp chưa mạnh dạn sử dụng nguồn chuyên gia tư vấn phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ, khảo sát đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Việc ứng dụng KH&CN nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức do khủng hoảng kinh tế nên phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung chủ yếu vào các giải pháp như: sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao doanh nghiệp, xử lý các tồn tại về tài chính, thoái vốn đầu tư và chưa tập trung nhiều vào các hoạt động KH&CN.

Chương trình robot công nghiệp hiện triển khai còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực từ các đơn vị, doanh nghiệp và trường/viện, trong khi đây là chương trình có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin. Vì các sản phẩm đều là sản phẩm công nghệ với độ chính xác cao, nên cần có cơ chế hỗ trợ mạnh từ thành phố như: hỗ trợ nghiên cứu tiếp cận công nghệ, tăng mức hỗ trợ kinh phí sản xuất thử nghiệm mới có thể phát triển tiếp được ngành robot. Do đó, sở kiến nghị UBND TP tiếp tục hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng nhằm đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, đặc biệt trong tự động hóa dây chuyền sản xuất từ các đề tài, dự án của chương trình robot.

Quỹ phát triển KH&CN của thành phố cũng gặp một số khó khăn khi việc đưa sản phẩm của các dự án tiếp cận thị trường trong thời gian qua gặp một số trở ngại do khủng hoảng chung của nền kinh tế, các đơn đặt hàng của phần lớn các công ty vay vốn của quỹ đều giảm nên ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm; các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng làm ảnh hưởng đến nguồn thu để trả nợ cho quỹ. Bên cạnh đó, các sản phẩm của dự án vay quỹ đều là những sản phẩm mới từ sáng chế hoặc từ công nghệ cao (chip RFID), nên thời gian để thâm nhập được vào thị trường thường phải kéo dài hơn quy định hiện tại của quỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến tích cực trong hoạt động khoa học & công nghệ TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO