Chú ý bón phân cho rau ăn trái

ANH ĐỨC| 25/07/2019 05:58

KHPTO - Theo khuyến cáo của GS. Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội bảo vệ thực vật Việt Nam, không phải bón nhiều phân là tăng hiệu quả phân bón bởi nếu nền đất trồng không tốt, đất thoái hóa, nghèo hữu cơ, pH thấp…thì việc bón nhiều phân vô cơ cũng tăng chi phí mà hiệu quả không đạt bao nhiêu, thậm chí còn gây tác dụng ngược lại.

Trên một số cây rau ăn trái, khi cây suy yếu, nhiễm nấm bệnh, bị úng ngập… thì bón nhiều phân hóa học giai đoạn này càng làm tăng rủi ro và bệnh hại có nguy cơ nặng thêm.

Nhóm phân hóa học như DAP, NPK 20-20-15, NPK 16-16-8 thường được dùng cho rau ăn trái hoặc nhóm phân NPK có bổ sung vi lượng hay calci, Bo…; tuy nhiên, cần bón đúng thời điểm, đúng liều lượng mới phát huy hiệu quả tốt cho cây trồng.

Khi nền đất được chuẩn bị tốt, bón nhiều hữu cơ thì việc bón bổ sung phân hóa học phát huy hiệu quả cao hơn. Các cây thuộc họ bầu bí có thể trồng trên nhiều loại đất, tuy nhiên phát triển tốt nhất trên đất tơi xốp, độ phì cao, giàu dinh dưỡng, pH trong khoảng 6 - 7. Trước khi trồng, tiến hành cày xới, bón vôi bột rồi phơi ải đất trong khoảng thời gian tối thiểu 5 - 7 ngày để diệt mầm bệnh, nhất là các loại ấu trùng, sâu, nấm bệnh có trong đất. Bón phân lân, phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ qua xử lý), bổ sung thêm mụn dừa, tro trấu, trấu mục vào mặt liếp trồng.

Bón phân đạm giúp cây phát triển thân, cành, lá. Giai đoạn cây nhỏ không nên bón trực tiếp nguyên hạt mà pha loãng phân vào nước tưới cho cây sẽ tăng hiệu quả hấp thu tốt hơn. Có thể sử dụng phân urê hay DAP, liều lượng 1 chén hòa tan 20 lít nước sạch, tưới quanh gốc, khoảng 3 - 5 ngày/lần. Nên tưới phân vào buổi tối, sáng hôm sau tưới thêm nước xả.

Khi cây bắt đầu lên giàn (bầu, bí, mướp, khổ qua…) thì bắt đầu bón thúc theo tỷ lệ: 3:1:1 (đạm - lân - kali), bổ sung phân trung vi lượng, acid Humit, Fluvic giúp cây tăng khả năng ra hoa, đậu trái. Trộn đều hỗn hợp: 3 chén lân, 1 chén đạm , 1 chén kali vào nhau rồi hòa tan trong bình 25 - 30 lít tưới quanh gốc.

Về sau có thể bón thúc bằng phân hạt không cần pha loãng, giai đoạn này bón phân phức NPK 20-20-15 hoặc NPK 16-16-8 để cân đối lượng đạm, lân, kali. Giai đoạn sinh trưởng cần nhiều đạm nhưng khi nuôi trái cần đạm và kali giúp cây đậu trái, tăng chất lượng trái thu hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú ý bón phân cho rau ăn trái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO