Chống lão hóa nên chăng từ khi còn tuổi thanh xuân?

BS. Nguyễn Kim Phong| 10/05/2017 09:12

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Nhắc đến lão hóa, chống lão hóa thường được liên tưởng, nghĩ đó là việc của người già hoặc ít ra cũng ở người từ lứa tuổi trung niên trở lên. Phải chăng như vậy. Sinh - lão - bệnh - tử đã thành quy luật của tạo hóa vậy có thể thực hiện giấc mơ cải lão hoàn đồng được không. Chắc chắn là không. Vậy nên chống lão hóa thực ra là quá trình làm chậm lão hóa.

Tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, các kiến thức về lão hóa được phổ biến rộng rãi cho người dân. Biện pháp này đã góp phần giúp cho tuổi thọ của người Nhật kéo dài đến 86 tuổi.

Ở Hàn Quốc, các biện pháp chống lão hóa như: dùng nhân sâm, linh chi; tăng dinh dưỡng, thể dục, hạn chế các yếu tố gây lão hóa... được phổ cập cho người dân và đã nâng tuổi thọ lên 78,5 tuổi.

Ở Việt Nam, lão hóa là một trong những vấn đề đang rất được quan tâm, tuy nhiên tài liệu và thông tin về lão hóa còn chưa đủ rộng. Hiện nay, đời sống nước ta chưa cao nhưng khoảng cách tuổi thọ những người cùng hoàn cảnh sống nhiều khi khác nhau mười, hai mươi năm và có thể hơn thế nữa; chắc một phần đáng kể do cách giữ gìn sức khỏe, hiểu và chống lão hóa khác nhau.

Sinh trưởng, phát triển và thoái hóa, lão hóa là hai mặt của cuộc sống. Từ khi sinh ra từng tế bào nói riêng, toàn cơ thể nói chung luôn đồng hành hai quá trình này. Khi còn trẻ, lúc khỏe mạnh, quá trình sinh trưởng phát triển chiếm ưu thế. Khi ốm yếu, về già, quá trình thoái hóa, lão hóa nổi trội. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lão hóa. Đáng chú ý là do di truyền và sự hình thành, hoạt động của các gốc tự do.

Di truyền do các gen trong cấu tạo tế bào quyết định. Các gen này hình thành trật tự: sinh ra, phát triển nhân lên, thoái hóa mất đi của tế bào và từ đó hình thành tiến trình “sinh - lão - bệnh - tử” của con người. Cho đến nay và chắc rằng mãi mãi con người cũng không thể làm thay đổi được quy luật này của tạo hóa. Có chăng khi kỹ nghệ gen phát triển có thể làm nhanh, chậm giai đoạn nào đó của tiến trình hoặc có thể làm thay đổi mã di truyền của một số gen, tế bào nào đó chứ không thể làm thay đổi đặc tính di truyền toàn bộ cơ thể. Mà chắc rằng cũng không ai có thể biết chính xác có bao nhiêu loại tế bào, bao nhiêu mã di truyền trong cơ thể.

Các phản ứng sinh hóa bên trong tế bào tạo ra các gốc tự do. Thực chất gốc tự do là một nguyên tử, nhóm nguyên tử “không ổn định” (có điện tử tự do), sẵn sàng bám vào các phân tử quanh nó (để trở thành ổn định). Các gốc tự do là nguyên nhân chính gây xáo trộn hoạt động của các ty lạp thể, làm tổn thương ngay từ cấp vi mô (tế bào) của cơ thể. Từ đó gây các bệnh ở cấp vĩ mô: tim mạch, viêm khớp, bệnh dạ dày - ruột, đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc, tiểu đường, ung thư, sa sút trí tuệ, Parkinson,...

Các gốc tự do sinh ra do chính hoạt động sống của chính tế bào và do tác động của môi trường (tia phóng xạ, tia tử ngoại, các chất độc...). Thông thường, chúng được sinh ra với lượng rất nhỏ và bị phá hủy ngay bởi các hệ thống chống độc của cơ thể. Nhưng khi hệ thống bảo vệ này bị quá tải hay rối loạn, đặc biệt khi thiếu oxy, làm các phản ứng sinh hóa, chuyển hóa trong cơ thể rối loạn, không cho ra sản phẩm cuối cùng mà dừng ở các sản phẩm trung gian (phần lớn là các gốc tự do).

Như vậy, các gốc tự do giữ vai trò quan trọng trong cơ chế tiến trình lão hóa của cơ thể. Và điều quan trọng đây cũng là khâu con người có thể tác động hiệu quả vào quá trình này. Khoa học, y học đã tìm ra nhiều yếu tố làm tăng các gốc tự do có thể từ bên ngoài như: tia xạ, bức xạ, tia tử ngoại, các chất độc từ môi trường ô nhiễm... Nhưng rối loạn các chuyển hóa bên trong cơ thể vẫn là yếu tố chính, quan trọng. Vì thực ra tác hại của các yếu tố bên ngoài cũng thể hiện qua các yếu tố bên trong.

Cũng cần nói rõ các gốc tự do cũng có vai trò sinh học quan trọng. Các phần tử này chỉ gây hại, làm tăng quá trình lão hóa khi vượt quá giới hạn sinh lý do sản sinh ra nhiều hay hệ thống hóa giải chúng làm việc kém hiệu quả. Như vậy để làm giảm tốc độ lão hóa, biện pháp khả thi và có thể quan trọng nhất là hạn chế các gốc tự do sinh ra nhiều và tăng cường hóa giải các phần tử không mong muốn này khi được sinh ra nhiều.

Đã có nhiều lời khuyên về cách làm giảm tốc độ lão hóa, phòng và chống các gốc tự do:

- Hạn chế các tác nhân độc hại từ môi trường, đồ ăn,thức uống. Trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm nhiều; thức ăn, uống không sạch phổ biến thì tránh các tác nhân độc hại thật khó. Nhưng nếu chú ý vẫn có thể hạn chế được nhiều. Việc có thể chủ động là không nên tự đầu độc mình bằng các thức uống có cồn, rượu bia nhiều. Đặc biệt nên tránh xa thuốc lá vì trong khói thuốc lá có oxyd carbon là chất không chỉ gây độc trước mắt mà về lâu dài cũng là tác nhân gây lão hóa mạnh không chỉ cho bản thân mà cả người bên cạnh.

- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh, năng tập thể dục thể thao, chữa bệnh kịp thời, tránh căng thẳng, tạo giấc ngủ ngon, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cần thiết theo lứa tuổi. Không để cơ thể thiếu nhưng cũng không nên thừa các chất dinh dưỡng. Đưa vào đúng những chất cơ thể cần thiết, đặc biệt là oxy, giúp cho các bộ máy của cơ thể làm việc vừa sức. Từng cơ quan sẽ bền hơn, cơ thể sẽ thọ hơn.

Nói cách khác, chống lão hóa không chỉ để hưởng kết quả khi lên tới đỉnh núi mà cũng là cách làm sức khỏe tốt hơn, đẹp hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi xuân trong quá trình... leo núi.

Không nên để các biểu hiện lão hóa hình thành mới tìm cách xóa đi. Chống lão hóa nên chăng cần được quan tâm thực hiện tốt từ khi còn tuổi thanh xuân. Oxy gắn liền với môi trường xanh sạch là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chống lão hóa mà oxy cao áp lại là phương pháp làm gia tăng giá trị của oxy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống lão hóa nên chăng từ khi còn tuổi thanh xuân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO