Cho học sinh lớp 12 chơi trò chơi để luyện tập thi trắc nghiệm

Anh Thư| 26/11/2017 08:35

KHPTO - ThS. Hà Văn Thắng, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và ThS. Lê Chân Đức, Trường Trung học Thực hành đã nghiên cứu thiết kế và tổ chức các trò chơi phục vụ giảng dạy và ôn tập cho học sinh lớp 12, đáp ứng hình thức thi trắc nghiệm.

Theo ThS. Hà Văn Thắng, những thay đổi quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2017 đặt ra nhiều vấn đề đối với phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng như phương pháp học tập của học sinh THPT. Theo đó, hình thức thi tự luận được thay bằng trắc nghiệm khách quan ở tất cả các môn học trừ môn ngữ văn, số lượng môn thi cũng tăng lên khi học sinh phải chọn các tổ hợp môn. Thực tế này dẫn đến nhiều hệ quả, trong số đó, rõ ràng nhất là cách học và ôn tập của học sinh phải thay đổi, áp lực ôn tập tăng lên. Để giúp học sinh thích ứng được với tình hình mới, giáo viên bên cạnh việc đảm bảo cung cấp chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn cho học sinh cũng cần giúp các em tiếp cận kỹ năng làm bài trắc nghiệm, quan trọng hơn là giảm áp lực thi cử.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2017, thí sinh phải làm ba bài thi bắt buộc gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn có thể là bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Về hình thức thi, trừ môn ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận các môn học khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trước đó chỉ áp dụng cho môn vật lý, hóa học, sinh học nay có thêm môn toán, địa lý, lịch sử và giáo dục công dân.

Những thay đổi trong hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm khách quan trong môn toán và các môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đã phần nào ảnh hưởng đến việc giảng dạy của giáo viên và ôn tập của học sinh. Giáo viên phải thay đổi phương pháp, cách thức để vẫn đảm bảo việc cung cấp chuẩn kiến thức cho học sinh đồng thời giúp học sinh tiếp cận nhanh với một hình thức thi mới và đạt hiệu quả cao. Cụ thể:

Thứ nhất, việc dạy học sẽ thay đổi từ tập trung sâu về một số vấn đề sang cách dạy bao quát kiến thức, bởi đề thi sẽ dàn trải trong toàn bộ chương trình chứ không chỉ tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Bên cạnh đó, việc thi trắc nghiệm đòi hỏi mức độ tư duy cao vì thế giáo viên cần giúp học sinh hiểu đúng, hiểu rõ bản chất vấn đề để có thể vận dụng vào bài làm.

Thứ hai, khi thi trắc nghiệm, học sinh cần những kỹ năng làm bài khác thi tự luận. Chính vì thế, giáo viên cần rèn luyện thường xuyên kỹ năng làm bài trắc nghiệm để các em thành thạo và làm bài thi đạt hiệu quả cao. Thông thường, các giáo viên sẽ cho học sinh luyện tập theo các bộ đề, điều này phù hợp hơn vào thời điểm ôn tập. Trong quá trình dạy bài mới, giáo viên vừa phải thực hiện việc cung cấp kiến thức mới vừa lại cần rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh. Ngoài ra, cần tạo không khí học tập thoải mái cho học sinh nhưng vẫn học hiệu quả. Từ thực tế đó, các trò chơi được vận dụng để thay đổi phương pháp giảng dạy, đáp ứng với hình thức thi trắc nghiệm.

Thay đổi phương pháp giảng dạy bằng các trò chơi

ThS. Lê Chân Đức cho biết, tác dụng của việc tổ chức các trò chơi trong dạy học mang lại sự hứng thú, vui nhộn, thoải mái, giảm bớt sự nhàm chán, đơn điệu trong các giờ lý thuyết. Học sinh học chủ động hơn (chơi để học), được phép thử và sai (không sợ sai) và nhận phản hồi ngay lập tức. Đối với việc cung cấp kiến thức, trong cách dạy truyền thống, kiến thức được cung cấp cho học sinh một cách liền mạch, kèm theo rất ít ví dụ minh họa. Vì thế, nhiều học sinh, đặc biệt là những học sinh tiếp thu chậm cảm thấy kiến thức liên tục bị dồn nén, chưa thật rõ kiến thức này đã phải chuyển sang đơn vị kiến thức khác. Các trò chơi có thể được thiết kế để chia nhỏ lý thuyết trong một bài học, từ đó học sinh ghi nhớ chính xác và dễ dàng, kể cả các tình tiết nhỏ mà không phải lúc nào việc thuyết giảng cũng làm rõ.

Trong quá trình tham gia các trò chơi, do tính cạnh tranh cao, học sinh cần vận dụng tất cả kiến thức sẵn có và các kỹ thuật đã trải nghiệm trong học tập và cuộc sống để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, giáo viên cũng dễ dàng thiết kế các câu hỏi mang nội dung thực tiễn, nội dung liên môn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ chuẩn kiến thức cần truyền đạt.

Đối với việc phát triển kỹ năng, các hoạt động học tập theo nhóm rất hữu hiệu khi tạo ra tinh thần cộng tác, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Việc tổ chức các trò chơi không những thừa kế được hiệu quả này mà còn tăng cường sự nhiệt tình của học sinh bởi những yêu cầu cao hơn đối với năng lực cộng tác, nhiệm vụ rõ ràng và hình thức tổ chức thú vị. Trò chơi đòi hỏi học sinh phải phản xạ nhanh, tăng cường tư duy lập luận, kỹ năng giải quyết vấn đề, bởi vì các em hiểu rằng lúc này không chỉ ràng buộc bởi thời gian mà còn sự cạnh tranh quyết liệt của các bạn chơi khác. Trò chơi cũng tạo điều kiện để hướng đến dạy học cá thể hóa vì thông qua các trò chơi các em sẽ có cơ hội để thể hiện và phát triển những năng khiếu, sở trường cá nhân.

Ngoài những tác dụng nêu trên, các trò chơi còn giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn luyện theo hình thức thi trắc nghiệm. Ở phương diện khác, giáo viên có thể nắm bắt tình hình tiếp thu kiến thức của người học thông qua phản hồi trực tiếp và cũng chính sự thoải mái trong các trò chơi là lúc các em bộc lộ rõ và chân thực nhất những kiến thức còn sai sót.

Một ví dụ cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Kahoot để thiết kế các trò chơi khởi động, củng cố, ôn tập. Đây là công cụ hỗ trợ dạy học miễn phí dựa trên nền tảng trò chơi và được sử dụng như một hệ thống lớp học tương tác. Về bản chất Kahoot là một website, vì vậy nó có thể sử dụng trên mọi thiết bị: laptop, tablet, smartphone, máy tính... miễn là thiết bị đó kết nối mạng internet được.

Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm trên cả môn khoa học tự nhiên (môn toán) và khoa học xã hội (môn địa lý). Kết quả là học sinh được lôi cuốn vào trò chơi hấp dẫn này, các em thực hiện trò chơi liên tiếp 2 tiết học mà không có biểu hiện mệt mỏi, bản thân giáo viên cũng thông qua kết quả phản hồi từ máy tính biết được một số điểm học sinh còn chưa nắm chắc kiến thức và kịp thời bổ sung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho học sinh lớp 12 chơi trò chơi để luyện tập thi trắc nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO