Chợ hoa Đà Lạt - bao giờ?

21/03/2008 11:26

Đà Lạt là nơi sản xuất hoa hàng đầu ở nước ta. Nếu chưa ghé vào thăm những gian hàng hoa ở chợ Đà Lạt thì chưa thể biết hết những chủng loại hoa được trồng ở cao nguyên. Thế nhưng, đó mới đơn thuần là một khu vực thương mại nằm trong khuôn viên một chợ lớn, chưa phải là một khu vực đấu xảo - nơi diễn ra những phiên đấu giá, giao dịch thương mại. Một chợ hoa quy mô, bài bản cho Đà Lạt đang là mong ước của nhiều người dân trồng hoa nơi đây.

Công nghiệp hoa trên thế giới

Sau những chuyến đi tìm hiểu công nghệ trồng và kinh doanh hoa ở nước ngoài, trong đó có Hà Lan, ông Trần Huy Đường, phó chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, nhận xét: “Ở Hà Lan, cái nôi sản xuất hoa của thế giới, gần 80% quy trình sản xuất được tự động hóa, số còn lại là cơ giới hóa và một phần nhỏ là nhân công; diện tích sản xuất của một hộ làm vườn tối thiểu là 1 ha, được đầu tư hiện đại, với nhà kính, các hệ thống tưới, bơm phân, làm mát, sưởi, cung cấp khí carbonic, máy cày, máy trộn giá thể, máy trồng củ, máy thu hoạch... tất cả hoạt động theo một hệ thống dây chuyền. Công nghệ sản xuất của họ hiện đại; vào nông trại giống như vào nhà máy công nghiệp sản xuất ô tô, hay chip điện tử”. Chất lượng sản phẩm hoa của Hà Lan đứng đầu thế giới. Các sản phẩm được bán theo đơn đặt hàng. Một doanh nghiệp sản xuất giống hoa cát tường có diện tích chỉ hơn 1 ha nhưng mỗi năm họ xuất được tới 130 triệu cây giống bán ra khắp thế giới. Tuy nhiên chợ đối với họ vẫn là cần thiết. Khu chợ bán đấu giá tại Aalsmar rộng 16 ha có 2 - 3 tầng, bãi đậu xe chứa được hàng ngàn xe hơi; mỗi loại hoa có khu vực đấu giá riêng: khu vực cho hoa chậu, các loại lá, phụ liệu (sản xuất ngay tại chính quốc hoặc mua từ khắp thế giới). Có những sản phẩm mà chúng ta xem là bình thường như đốt tre, lá dứa, cọng cỏ, dây leo, quả thông, cành hoa dại thì đối với họ đó lại là nghệ thuật. Các sản phẩm nghệ thuật đều hướng về thiên nhiên và đều có thể thương mại hóa. Hệ thống đấu giá được nối mạng nên các doanh nghiệp có thể tham gia đấu giá ngay tại nhà mà không cần ra chợ. Vậy mà người Hà Lan vẫn đến tiếp thị, chào hàng đến cả những thị trường nhỏ. Mỗi công ty thường có vài nhân viên sang Việt Nam cỡ hai lần mỗi năm...

Ở Trung Quốc thì sao? Ông Trần Huy Đường kể: Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, là vựa hoa chính của Trung Quốc, nhưng mới chỉ phát triển trồng hoa hơn 10 năm nay, góp phần đẩy vị trí sản lượng hoa Trung Quốc lên hàng đầu thế giới. Công nghệ sản xuất của họ rất đa dạng. Có những hộ chỉ đầu tư làm tấm phủ plastic dạng lồng úp cao gần 2 m. Rất nhiều công ty đầu tư hiện đại không kém gì các nước phát triển. Nhà nước cũng đầu tư các mô hình công nghệ hiện đại rồi cho doanh nghiệp thuê. Chợ của họ tại Đậu Nam rộng 25 ha, thỏa mãn cho từng người buôn thúng bán mẹt cũng như các doanh nghiệplớn có nhu cầu từ vài chục đến vài ngàn mét vuông, có khu vực dành cho đấu xảo, có bãi đậu xe, có hệ thống kho lạnh cho thuê từ một vài thùng hàng đến hàng container, có nhà hàng, khách sạn, có phối hợp với hệ thống hàng không, ngân hàng, bưu điện, du lịch...

Thái Lan là đất nước của hoa phong lan. Các trang trại đều kết hợp sản xuất, thương mại và du lịch. Hầu hết các trang trại lớn đều có khu vực lai tạo giống, phòng nuôi cấy nhân giống. Giá cả rẻ đến mức khó có quốc gia nào có thể cạnh tranh được với lan Dendrobium của người Thái... Chợ hoa nằm trong khu vực chợ nông sản ở vùng ven Bangkok với diện tích hàng chục hecta, có xe tải chở hàng đến từng gian hàng.

Nhìn lại trong nước...

Đà Lạt - Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi cho việc sản xuất hoa ôn đới có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã xác định sản xuất hoa là một mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời phục vụ tốt cho du lịch. Diện tích canh tác hoa hiện nay của Lâm Đồng là 1.250 ha, thị trường chủ yếu là nội tiêu. Lâm Đồng đang hướng tới một nền công nghệ hoa xuất khẩu. Tuy nhiên ngành trồng hoa của Lâm Đồng vẫn mang tính manh mún: ngoại trừ các công ty nước ngoài, còn các doanh nghiệp và người dân Việt Nam vẫn chưa có những công nghệ sản xuất hiện đại để xuất khẩu như mong muốn.

Đà Lạt hiện chưa có chợ hoa, chỉ một vài sạp bán lẻ ở chợ Đà Lạt, chưa thỏa mãn được yêu cầu của du khách và chưa mang ý nghĩa một chợ đầu mối xuất hoa đi các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, sản phẩm hoa Đà Lạtbán trực tiếp cho nhà buôn (bán vạt) chiếm 10% có thỏa thuận giá cả nhưng do sản xuất nhỏ, chất lượng hoa chưa cao nên hiệu quả rất thấp. Còn bán cho các đại lý ở các tỉnh, Hà Nội, TP.HCM chiếm tỷ lệ 20% có thỏa thuận giá cả, hiệu quả cao nhưng chỉ dành cho các công ty hoặc nhà vườn sản xuất các loại hoa chất lượng cao. Còn lại là gởi cho các vựa tại TP.HCM và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chiếm đến 70%, thường không được thỏa thuận giá cả, gần như là quan hệ một chiều, thiếu tính bình đẳng. Các chủ vựa sau khi bán hàng xong cho nhà vườn bao nhiêu thì người nông dân Đà Lạt được hưởng bấy nhiêu.

Để tránh việc Đà Lạt làm thêm chợ dẫn đến tình trạng loạn chợ đầu mối, loạn nhà máy (như đã từng xảy ra ở một vài tỉnh, thành), nên chăng có hội thảo với các nhà hoạch định chính sách kinh tế và các doanh nghiệp về chuyên đề chợ hoa. Có được dự án mang tính khả thi cao thì việc chọn ai là chủ đầu tư sẽ không khó. Kinh nghiệm ở Côn Minh, năm đầu chợ làm xong rất ít nhà đầu tư đến thuê, năm thứ hai chợ lấp kín được 1/4, năm thứ ba được 1/2 nhưng đến năm thứ tư là lấp đầy 100%.

GS.TS. Trần Duy Quý, phó viện trưởng Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Nhà nước nên tận dụng cơ hội tổ chức thêm các chợ đầu mối và có chính sách, cơ chế thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư chứ không nhất thiết Nhà nước phải bao cấp, miễn là phải quy hoạch đúng, đặt đúng nơi đúng chỗ. Viện sẵn sàng hỗ trợ Lâm Đồng về mặt khoa học công nghệ để phát triển ngành hoa công nghệ cao đủ sức xuất khẩu”. O

Vườn hoa ở Đà Lạt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ hoa Đà Lạt - bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO