Chính sách phát triển nghề nuôi bò ở TP.HCM luôn thích ứng với thực tiễn

N.Hoa| 29/11/2021 11:03

KHPTO - Để phát triển đàn bò sữa, bò thịt, TP.HCM đã có nhiều chính sáh hỗ trợ, nhờ đó nghề nuôi bò luôn phát triển tốt, đặc biệt là ở Củ Chi. Khi bò sữa gặp khó khăn, Thành phố hỗ trợ chuyển sang bò thịt năng suất cao… Các chính sách của TP.HCM luôn thích ứng với thực tiễn.

Quyết định 4697 về “Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020”, hỗ trợ rộng rãi cho những hộ chăn nuôi bò sữa 50% giá trị của máy móc, thiết bị, gồm: máy vắt sữa đơn dạng hệ thống được lắp đặt hoàn chỉnh; thiết bị rửa máy vắt sữa; bình nhôm chứa sữa loại 20 lít/bình; máy băm cắt cỏ có trục cuốn (công suất 2 tấn/giờ)…

Bên cạnh đó, TP.HCM còn hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 655 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 80% lãi suất cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa (áp dụng đàn từ 15 con trở lên, đảm bảo vệ sinh môi trường). Nhờ được chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Củ Chi đã trở thành “thủ phủ” của nghề nuôi bò sữa tại TP.HCM.

Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường thay đổi, giá sữa bấp bênh, nguồn thu từ bán sữa của nhiều hộ nuôi ở Củ Chi bị giảm mạnh, trong khi giá thức ăn cho bò ngày càng tăng, người nông dân gặp khó. Khi đó, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức “Mô hình thử nghiệm chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại giai đoạn 7 đến 18 tháng tuổi”. Qua mô hình này, nông dân học tập được kỹ thuật cũng như cách chăm sóc bò do chuyên gia hướng dẫn và hỗ trợ 100% thức ăn tinh, giúp mô hình ngày càng đạt hiệu quả hơn. Đây là “bàn đạp vững chắc” để họ phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt lai hướng ngoại, nâng cao thu nhập gia đình.

Nhằm cung ứng con giống và nguồn bò thịt chất lượng cao tại chỗ cho các địa phương và TP.HCM, huyện Củ Chi triển khai đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2022”. Người chăn nuôi đã chuyển dần từ chăn nuôi bán chăn thả sang nuôi nhốt thâm canh.

Để cải thiện giống và nâng cao chất lượng đàn bò thịt, Củ Chi thực hiện giải pháp sử dụng, khai thác đàn bò sữa có năng suất thấp và đàn bò cái nền lai Sind (theo hướng sản xuất thịt) phối với các giống bò thịt cao sản để tạo ra con lai hướng thịt có năng suất cao, song song đó, tiến hành vỗ béo đàn bò. Nhiều con bò cái được phối các dòng tinh 3B, Droughtmaster, Charolais, Brahman.

Bê lai giống ngoại dễ nuôi, đề kháng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết tại địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, tăng trọng bình quân 800g/con/ngày, cao hơn bê lai Sind 40%...

Người nông dân triển khai lai tạo và nuôi khảo nghiệm cho thấy giống bò 3B sinh trưởng nhanh gấp từ 1,5 - 2 lần so với bò thông thường, từ đó hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nên hầu hết hộ nào cũng có nuôi giống bò này. Có người còn cho biết, mặc dù chỉ xuất chuồng 2 con bò 3B thương phẩm nhưng lợi nhuận bằng cả đàn bò cỏ 5 con cộng lại.

Đến năm 2021, trên địa bàn huyện Củ Chi có gần 7.400 hộ chăn nuôi trâu bò với tổng đàn trên 82.000 con. Bên cạnh bò thịt, vẫn còn nhiều bò sữa, và đặc biệt là gần 500 con bò sữa được chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao như áp dụng công nghệ tưới phun sương, phối trộn thức ăn bằng máy theo công thức TMR, vắt sữa bằng máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách phát triển nghề nuôi bò ở TP.HCM luôn thích ứng với thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO