Chính sách khởi nghiệp nông nghiệp: Nấc thang đi đến thành công

THIÊN THÀNH| 24/12/2020 16:04

KHPTO - Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã thành công, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, bên cạnh các yếu tố khác thì việc có nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp nông nghiệp nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp

Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích và hỗ trợ.

Về tín dụng, có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ.

Về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, có Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 1/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định số 116 được xem như một giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư cho “tam nông”, đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho cả người vay vốn sản xuất kinh doanh và ngân hàng, đồng thời mang lại kết quả khả quan ở các địa phương về nhu cầu vốn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với nhiều quy định mang tính đột phá, như tăng mức cho vay và tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay; bổ sung quy định quản lý dòng tiền cho vay trong liên kết sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay vốn… Nghị định số 116 đã giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế đối với chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Khởi nghiệp nông nghiệp thành công

Ông Phạm Văn Hoàng, nhà ở ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được sự vận động của UBND, Hội nông dân xã Bình Lợi về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo mô hình nông nghiệp đô thị, tôi đã được mời dự lớp tập huấn về chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp nông dân vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế”.

Từ đó, ông đã mạnh dạn vay tiền và đầu tư chuyển đổi từ cây mía không có hiệu quả kinh tế sang cây mai vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông vui vẻ nói: “Hiện tại thì tôi đang tạo nụ cho gần 1 ha mai để chuẩn bị bán vào dịp tết này. Bản thân và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, thường xuyên tham gia học tập các lớp tập huấn về mai vàng do Hội nông dân, Trạm khuyến nông tổ chức, như kỹ thuật tạo dáng cho cây mai vàng, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trên cây mai”.

Loại cây trồng mà ông Hoàng chọn là mai vàng, trồng trên diện tích 1 ha. Thu nhập bình quân mỗi năm hơn 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông nhận xét: “So với cây mía thì lợi nhuận cao gấp 10 lần. Mô hình sản xuất mai vàng lại phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương”.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thương mại và dịch vụ Phú Lộc được thành lập từ ngày 16/9/2011, khi đó chỉ có 12 thành viên, sau nhiều năm hoạt động, phát triển, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX đã có 50 thành viên, vốn điều lệ 6 tỷ đồng, văn phòng tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, HTX Phú Lộc đã được địa phương, thành phố và Liên minh HTX thành phố, Sở nông nghiệp, Sở công thương, Hội nông dân TP.HCM quan tâm hỗ trợ nhiều mặt, tạo mọi điều kiện giúp đỡ HTX phát triển nhiều năm qua; được thành viên, bà con nông dân và khách hàng tín nhiệm, đội ngũ nhân viên nhiệt tình gắn bó với HTX. Uy tín của HTX được nâng cao đối với thành viên, nông dân sản xuất, khách hàng siêu thị và người tiêu dùng.

HTX đã đầu tư trang bị đầy đủ thiết bị văn phòng và thiết bị nhà xưởng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xe tải 8 chiếc dùng cho việc hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, trên diện tích 1.100 m2 làm văn phòng và nhà xưởng để sơ chế, đóng gói rau củ quả cho thành viên, bà con nông dân trên các xã của huyện Củ Chi, huyện Bình chánh như: xã Tân Phú Trung, Tân Quý Tây, Hưng Long, Quy Đức, Bình Chánh… đồng thời liên kết 3 tổ hợp tác tại thị xã Gò Công, Tiền Giang. Diện tích VietGAP của HTX được chứng nhận là 40 ha với nhiều thành viên sản xuất trực tiếp rau củ quả VietGAP và được học kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách khởi nghiệp nông nghiệp: Nấc thang đi đến thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO