Một phụ nữ 30 tuổi đã mắc bệnh Parkinson

H.D| 03/01/2018 15:39

KHPTO - Chị Đậu Thanh Nga (sinh năm 1978) ở quận 12, TP.HCM - một trong những nạn nhân nhiễm chất độc da cam từ cha đang từng ngày chiến đấu với bệnh tật, đặc biệt là bệnh Parkinson- căn bệnh của người già.

Người con của cựu chiến binh và căn bệnh hiểm nghèo

Ông Đậu Văn Bản, một thương binh 4/4 hiện đang sinh sống tại phường Tân Thới Hiệp, Q.12 TPHCM, từng chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ từ năm 1965 - 1971. Khi đất nước thống nhất, ông trở về cuộc sống thường ngày với nhiều thương tích trên người và phơi nhiễm chất độc màu da cam .  Không những vậy, chị Đậu Thanh Nga (sinh năm 1978) – con gái ông Bản không may cũng bị nhiễm chất độc màu da cam từ cha mình.

Chúng tôi có dịp gặp chị Nga khi chị đến tái khám tại Bệnh viện đại học y dược TPHCM (BV ĐHYD).  Chị rụt rè cho biết, từ nhỏ đã ốm yếu hơn các bạn đồng trang lứa, lại thường xuyên bệnh lặt vặt. Sức khỏe không ổn định khiến chị không thể lao động, làm việc nặng nhọc. Trước đây, chị Nga làm thợ may tại nhà cũng được đồng ra đồng vô. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh của chị và đồng lương công nhân còm cỏi của chồng cũng chỉ đủ trang trải cho hai con ăn học và những sinh hoạt tối thiểu nhất. Vợ chồng ông Bản đều đã tuổi cao sức yếu, không còn khả năng lao động nên chủ yếu sống dựa vào số tiền trợ cấp xã hội của nhà nước.

Sóng gió bất ngờ ập đến với gia đình vốn dĩ đã kém may mắn này khi chị Nga biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Năm 2007, những cơn run bàn tay đầu tiên xuất hiện khiến chị không thể cầm thước đo hay cầm kéo cắt vải. Nhận thấy tình trạng bệnh không thể xem thường, chị đến khám tại BV ĐHYD TPHCM. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh Parkinson, hay còn gọi là bệnh liệt run và được theo dõi điều trị từ ấy. Sau đó, các triệu chứng bắt đầu diễn biến nặng hơn như cứng một bên vai, cổ tay phải khó cử động xoay tròn và triệu chứng “đông cứng” bắt đầu lan xuống khớp bàn chân khi chị bước đi, khó nuốt, và các biến chứng  xuất hiện ngày càng nhiều. Bệnh tình của chị Nga đã bước vào giai đoạn nặng, có biến chứng khiến mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự làm, phải nhờ vào sự trợ giúp của những người thân trong gia đình.

Lúc này, các bác sĩ đề nghị thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, vì nếu không phẫu thuật sớm, chị Nga có nguy cơ tàn phế suốt đời. Gánh nặng cơm áo gạo tiền vốn dĩ đè lên đôi vai hai vợ chồng thì nay cộng thêm chi phí phẫu thuật vượt quá khả năng chi trả khiến gia đình chị như sụy đổ. May mắn thay trong cơn hoạn nạn khốn cùng ấy, người thân và bạn bè đã gom góp, vay mượn được số tiền đủ để chị trả cuộc phẫu thuật của chị.

Với sự tận tâm của các y bác sĩ tại BV ĐHYD TPHCM, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công giúp chị Nga giảm 70% các cơn run tay, khó nuốt, cứng khớp khi vận động. Sau phẫu thuật, chị đã có thể tự sinh hoạt cá nhân, đi lại bình thường và dần dần phục hồi khả năng lao động. Tuy nhiên, chị Nga cần được tiếp tục phẫu thuật thay pin máy kích thích não sâu sau khoảng 3 – 4 năm kể từ cuộc phẫu thuật đầu tiên. Hiện nay, gia đình chị vẫn chưa thể trả hết số tiền vay mượn cho cuộc phẫu thuật đầu tiên thì thời điểm tiến hành lần phẫu thuật tiếp theo đã gần kề.

Cần lắm những tấm lòng nhân ái!

Trao đổi với chúng tôi, ThS BS. Trần Ngọc Tài – phó trưởng khoa thần kinh kiêm trưởng Đơn vị rối loạn vận động , BV ĐHYD TPHCM cho biết:Bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn vận động mạn tính phức tạp. Hiện nay bệnh Parkinson chưa có phương pháp điều trị triệt để nên người bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời. Những phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu giảm thiểu triệu chứng bệnh, giúp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Người bệnh Đậu Thanh Nga đã được chỉ định thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu vào năm 2015 nhằm giảm thiểu biến chứng bệnh và giúp người bệnh phục hồi chức năng, trở về với công việc và cuộc sống. Hiện nay, chị vẫn phải uống thuốc hằng ngày và tái khám theo dõi mỗi tháng. Tuy nhiên có khả năng vào năm 2018, máy kích thích não sâu sẽ hết pin và chị Nga cần được phẫu thuật để thay pin với chi phí khoảng 600 triệu đồng. Nếu không được điều trị, chị Nga không những mất khả năng vận động như hiện tại mà còn có nguy cơ tàn phế rất cao.”

Chia tay chúng tôi, chị Nga nghẹn ngào: “Không ai sinh ra trên đời lại mong muốn cuộc sống mình gặp nhiều bất hạnh. Tôi không may mắn như người ta khi mang trong mình chất độc màu da cam, giờ lại mắc căn bệnh không thể chữa khỏi. Thế nhưng, tôi không muốn đầu hàng số phận, không muốn gục ngã trước căn bệnh của mình. Ước mong lớn nhất của tôi lúc này là sức khỏe của mình được ổn định, có thể chủ động sinh hoạt, tiếp tục lao động nuôi sống gia đình và trả hết số nợ đang còn lại. Thật lòng tôi không biết vay mượn thế nào để chi trả cho cuộc phẫu thuật thứ hai, tôi chỉ cố gắng sống lạc quan mỗi ngày và hi vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra.”

Cần lắm những tấm lòng nhân ái, sang sẻ giúp chị Đậu Thanh Nga thực hiện ca phẫu thuật thay pin cho máy kích thích não, giúp chị duy trì tình trạng sức khỏe và tránh nguy cơ tàn phế. Mọi đóng góp vui lòng liên hệ Phòng công tác xã hội BV ĐHYD TPHCM, số điện thoại (028) 3952 5350 hoặc chuyển vào tài khoản BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, số tài khoản 0511000787878 – Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Sài Thành TPHCM.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một phụ nữ 30 tuổi đã mắc bệnh Parkinson
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO