Tư vấn, phản biện: chỉ ra những khiếm khuyết của dự án – công trình và đề xuất những giải pháp tối ưu hơn

ANH THƯ| 03/04/2019 08:26

KHPTO - Theo bà Hồ Thanh Vân (ảnh), phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động mạnh nhất với 62 dự án được tổ chức phản biện, trợ giúp về tri thức khoa học - công nghệ ở trình độ cao, có khả năng chỉ ra những khiếm khuyết của dự án - công trình và đề xuất được những giải pháp tối ưu hơn.

Đội ngũ trí thức đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP.HCM

Theo bà Hồ Thanh Vân, UBND thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp hội và các hội thành viên phát huy khả năng của đội ngũ trí thức, đóng góp tích cực sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành phố, trong đó có hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, được xem như là lĩnh vực hoạt động chính và phù hợp nhất đối với Liên hiệp hội và các hội thành viên.

Trên thực tế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở TP.HCM đã được bắt đầu từ năm 2001 (trước khi có Quyết định 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhiều dự án về thoát nước, xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi được các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội góp ý, phản biện, được lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành quan tâm và đánh giá cao. Trong đó phải nói đến số lượng dự án được phản biện là: giai đoạn 2002 - 2007: 25 dự án; giai đoạn 2008 - 2013: 37 dự án; giai đoạn 12/2013 - 12/2018: 62 dự án.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động mạnh nhất, chỉ ra những khiếm khuyết của dự án - công trình và đề xuất được những giải pháp tối ưu hơn, vì vậy việc cân nhắc lựa chọn tập hợp “đúng người - đúng việc” có ý nghĩa rất quyết định. Có thể khẳng định khâu chính của hoạt động triển khai tư vấn, phản biện và giám định xã hội là phương pháp sử dụng hiệu quả chuyên gia.

Đối với các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hoặc dự án trọng điểm sẽ do Liên hiệp hội trực tiếp chủ trì. Các dự án thông thường có quy mô nhỏ (nhóm B) thì thường trực Liên hiệp hội giao nhiệm vụ cho các đơn vị khoa học công nghệ trực thuộc tổ chức triển khai công tác phản biện. Hiện Liên hiệp hội có 3 đơn vị khoa học công nghệ: Viện tài nguyên công nghệ và môi trường, Trung tâm tư vấn phát triển, Viện kinh tế tài nguyên và môi trường.

Anh Trần Thanh Trí, đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, chuyên viên Ban thư ký Liên hiệp hội cho biết, để đảm bảo cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đạt được kết quả, Liên hiệp hội luôn tích cực chuẩn bị các nội dung quan trọng như: xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia cần và có thể tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, uy tín về khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong quản lý. Liên hiệp hội cũng xây dựng quy chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và các hoạt động khác để đảm bảo sử dụng hiệu quả, hợp lý ngân sách thành phố cấp trong giai đoạn 2017 - 2015 và 2016 - 2021.

Giám định xã hội: quyết liệt bảo vệ lý lẽ “khoa học” của mình

Bà Hồ Thanh Vân nói: “Ngay từ những ngày đầu năm 2001 (3/2001), khi dự án “Vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” chuẩn bị cho giai đoạn 1, đợt ra quân “rầm rộ” với khí thế rất cao, phản đối quyết liệt việc bơm thẳng nước chưa xử lý của lưu vực ra sông Sài Gòn. Phương pháp triển khai lúc bây giờ là “hội thảo - tranh luận”. Cách làm này thu hút ngày càng nhiều chú ý của dư luận xã hội, nhưng cũng tạo nên bầu không khí “nóng” và căng thẳng. Cuối cùng, dự án được ngân hàng thế giới tiếp nhận tài trợ hơn 200 triệu USD (giai đoạn 1) và sẽ có dự án xử lý nước thải ở giai đoạn tiếp sau”.

Dự án “Vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” là dự án được hiểu đúng nghĩa là giám định xã hội được Liên hiệp hội thực hiện từ quý 3/2005 đến cuối năm 2012 là hoàn thành công trình. Tiếp sau đó là quá trình khai thác vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình, Liên hiệp hội được UBND thành phố giao tiếp các nhiệm vụ tại Công văn số 125/UBND-QLDA, tiếp tục thực hiện dự án “Vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” (giai đoạn 2), với nhiệm vụ là giám sát quá trình khai thác vận hành, duy tu, bảo dưỡng và xử lý nước thải ra sông Sài Gòn.

Trong suốt thời gian thực hiện công tác giám định xã hội, hội đồng và các thành viên, cộng tác viên được phân công nhiệm vụ khảo sát tại công trường thi công, ghi nhận lại tiến độ thời gian, nơi tập kết nguyên vật liệu, rào chắn đường giao thông, khói bụi... phản ánh kịp thời với chủ đầu tư và báo cáo cho UBND thành phố, nhiều sự cố trong quá trình vận hành được hội đồng phản ánh kịp thời với chủ đầu tư và báo cáo cho UBND thành phố như: bị lún nền đường, nền đường bị nứt, cháy nổ mặt đường, tái tạo mảng xanh cảnh quan tại các giếng thu, bảo dưỡng công trình... Trong đó phải nói đến là sự cố bị lún đầu kích khi kích băng sông Sài Gòn có thời gian khắc phục hơn 2 năm (6/2012 - 12/2014). Hội đồng giám định xã hội đã phản ánh kịp thời trong việc phải xử lý nước thải trước khi xả ra sông Sài Gòn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành là thành công cơ bản, một thắng lợi hoàn toàn trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Suốt thời giam giám định xã hội dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Liên hiệp hội đã làm việc một cách nghiêm túc có tinh thần trách nhiệm được chủ đầu tư và UBND thành phố đánh giá cao.

Tinh thần yêu nước và yêu thành phố là nguồn động viên lao động miệt mài và sáng tạo của đội ngũ trí thức

Bà Hồ Thanh Vân cho rằng, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các hội thành viên trong thời gian 12/2013 - 12/2018 đã cung cấp cho UBND thành phố, các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư 62 dự án, công trình nhiều ý kiến đóng góp mang tính khoa học cao. Ý kiến phản biện là luận cứ khoa học và công nghệ độc lập, khách quan để các cơ quan liên quan xem xét, là cơ sở phê duyệt các dự án quan trọng, có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp, có vốn đầu tư phát triển lớn, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

Thông qua các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các dự án và công trình từ năm 2013 - 2018, lực lượng trí thức khoa học - công nghệ ở TP.HCM đã có nhiều đóng góp tích cực và góp phần vào sự nghiệp phát triển của TP.HCM. Họ đã làm việc tận tụy, nhiệt tình và không vụ lợi. Tinh thần yêu nước và yêu thành phố là nguồn động viên lao động miệt mài và sáng tạo của họ. Trí tuệ - bảo đảm thời gian - đáp ứng yêu cầu phản biện là mục tiêu, là hành động của đội ngũ trí thức TP.HCM. Có thể xem đây là thuận lợi cơ bản và cũng là nguyên nhân thành công của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở TP.HCM.

Tuy nhiên, theo bà Vân, số lượng các dự án được tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM và các hội thành viên tổ chức thực hiện trong 5 năm từ 2013 - 2018 còn chiếm tỷ lệ nhỏ bé so với các dự án công trình đã được triển khai. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong thời gian qua chỉ phản biện các dự án nhóm B, một vài dự án trọng điểm do UBND thành phố giao trực tiếp thì còn rất hạn chế. Để công tác phản biện có tác động thật sự, tạo ra sự chuyển biến xa hơn về chiều rộng và chiều sâu, cần có sự tham gia của Liên hiệp hội từ giai đoạn đầu của dự án được hình thành. Hiện nay, công tác phản biện chỉ mới dừng lại ở mức độ “thử nghiệm loại hình tư vấn phản biện xã hội” và có thể kết luận rằng hoạt động này sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển thành phố và đất nước.

Bà Vân đề nghị: “Cần “nâng cấp” loại hình hoạt động này bằng cách thể chế hóa như xác định các định mức công trình dự án bao nhiêu tỷ đồng thì bắt buộc: được tư vấn trước khi dự án hình thành; phải phản biện sau khi lập thiết kế cơ sở, được giám định xã hội trong quá trình thi công; hoặc các công trình và dự án quan trọng phải được Hội đồng nhân dân thành phố xem xét thì trước đó cần tổ chức phản biện xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư vấn, phản biện: chỉ ra những khiếm khuyết của dự án – công trình và đề xuất những giải pháp tối ưu hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO