Chất lượng giáo dục là chính sách ưu tiên

Anh Thư| 24/11/2018 22:03

KHPTO - Tại Hội nghị chất lượng giáo dục Đại học quốc gia TP.HCM lần V năm 2018, GS.TS. Huỳnh Thành Đạt, giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM khẳng định, với vai trò đầu tàu trong hệ thống đại học Việt Nam, ĐHQG-HCM luôn xác định chất lượng giáo dục là chính sách ưu tiên và là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công sứ mệnh, tầm nhìn đã đề ra.

Đảm bảo chất lượng theo tinh thần cải tiến liên tục

Việt Nam luôn dành sự quan tâm và đầu tư lớn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống đại học nói riêng vẫn chưa đáp ứng lốt yêu cầu xã hội. Hệ thống quy chế, quy định ở cấp quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện tốt để các trường đại học thể hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.

Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, thể hiện qua việc thực hiện những chủ trương lớn như: điều chỉnh Luật giáo dục, mở rộng cơ chế tự chủ cho các trường đại học, tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng... Tuy nhiên, để những chủ trương trên thực sự mang lại tác động tích cực cho hệ thống đại học Việt Nam thì việc triển khai cần đảm bảo tính khoa học và có hệ thống; mỗi đơn vị, mỗi cá nhân cần thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình.

Theo GS.TS. Huỳnh Thành Đạt, ĐHQG-HCM thống nhất chủ trương triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL) bên trong trên tinh thần cải tiến liên tục, tạo nền tảng vững chắc trước khi tham gia kiểm định bởi các tổ chức bên ngoài, ưu tiên đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo theo cục bộ tiêu chuẩn uy tín của khu vực và quốc tế, tiến tới đánh giá cấp cơ sở giáo dục và chủ động tham gia xếp hạng ĐH quốc tế để được công nhận về chất lượng.

Theo quan điểm đó, ĐHQG-HCM đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác ĐBCL như đã xây dựng một hệ thống ĐBCL hoạt động xuyên suốt từ cấp ĐHQG đến cấp đơn vị thành viên, tính gắn kết hệ thống ngày càng rõ nét, các hoạt động ĐBCL được triển khai hiệu quả; công nghệ CDIO đã được áp dụng rộng rãi giúp phát triển chương trình đào tạo, các công bố khoa học có chất lượng tốt; chất lượng đầu ra của sinh viên ngày càng được xã hội đánh giá cao; và đặc biệt, công tác kiểm định chất lượng đã được đẩy mạnh nhằm mục tiêu cải tiến liên tục.... ĐHQG-HCM đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế với 45 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, 2 chương trình đạt chuẩn ABET, đồng thời luôn nằm trong top 150 trường đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng QS ASIA trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, GS.TS. Huỳnh Thành Đạt cho rằng, các kết quả đạt được thật sự mới chỉ là bước đầu. Để theo kịp xu hướng quốc tế, ĐHQG-HCM cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục những điểm còn tồn tại, phải có những giải pháp đột phá hơn nữa giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, từ đó thể hiện rõ nét vai trò tiên phong của ĐHQG-HCM trong hệ thống đại học Việt Nam.

CDIO giúp đổi mới căn bản và toàn diện

Theo PGS.TS.Đinh Đức Anh Vũ, trưởng Ban đại học, từ năm 2010, ĐHQG-HCM đã triển khai thí điểm "Cải tiến việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO". Sau hơn 8 năm triển khai, mô hình CDIO đã giúp đổi mới căn bản và toàn diện cách thức xây dựng và phát triển CTĐT và giảng dạy đảm bảo phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, và năng lực thực hành nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên, với tác động cụ thể như: triết lý, mục tiêu và bối cảnh đào tạo được xác định rõ ràng; chuẩn đầu ra được xây dựng toàn diện, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan; chương trình đào tạo được thiết kế tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức và được thực hiện nhất quán với chuẩn đầu ra; các môn học giới thiệu ngành được xây dựng mới, các môn học và đồ án thiết kế triển khai được hoàn thiện, đảm bảo phát triển hiệu quả các kỹ năng yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành được sắp xếp và đầu tư hợp lý; đội ngũ giảng viên được tăng cường kỹ năng CDIO/ kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm; chương trình đào tạo được đánh giá định kỳ và cải tiến liên tục.

TS.Nguyễn Quốc Chính, Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, một số vấn đề trọng tâm trong công tác ĐBCL tại ĐHQG-HCM thời gian tới là tiếp tục củng cố và phát triển công tác ĐBCL bên trong. Thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm ĐBCL tại ĐHQG-HCM cũng như với các đơn vị trong và ngoài nước. Thúc đẩy việc tìm hiểu và đánh giá chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn mới có uy tín trên thế giới (ngoài bộ tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và đào tạo, bộ tiêu chuẩn của AUN-QA), lựa chọn bộ tiêu chuẩn phù hợp với nguồn lực của từng đơn vị để tham gia đánh giá. Xây dựng hệ thống dữ liệu, cũng như công cụ để đo lường hiệu quả tác động của hoạt động ĐBCL đến chất lượng các hoạt động của các đơn vị. Theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cải tiến chất lượng sau đánh giá ở cả cấp ĐHQG-HCM và cấp đơn vị.

Bên cạnh đó là xây dựng và cập nhật các dữ liệu thống kê về ĐBCL nhằm chuẩn bị cho công tác rà soát, đánh giá chất lượng cũng như cải tiến chất lượng liên tục và ra quyết định. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách khen thưởng phù hợp, gồm: chính sách khen thưởng cho các chương trình được công nhận đạt chuẩn theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định trong nước, khu vực, chính sách khen thưởng, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ĐBCL; đồng thời tăng cường nguồn lực ĐBCL cho các đơn vị, trong đó có việc ổn định kinh phí cho công tác ĐBCL.

TS.Nguyễn Quốc Chính khẳng định, với cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo, sự quyết tâm cao của các đơn vị, có thể khẳng định công tác ĐBCL của ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới và phát triển, góp phần mạnh mẽ vào quá trình hội nhập chất lượng với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng giáo dục là chính sách ưu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO