Chăn nuôi heo an toàn sinh học

PHƯƠNG TRẦN| 23/06/2019 16:11

KHPTO - Nhằm giúp bà con chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Trung tâm khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học tại một số hộ chăn nuôi ở các huyện ngoại thành thành phố như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè…

Qua 3 năm triển khai, mô hình mang lại nhiều lợi ích cho các hộ chăn nuôi, đáng kể nhất là giúp heo tăng trưởng, phát triển tốt trong môi trường đệm lót, ít nhiễm bệnh hô hấp và đường ruột, nhờ đó giảm chi phí sử dụng thuốc thú y. Hiệu quả thiết thực của mô hình là giúp tiết kiệm 10% chi phí thức ăn, 60% công lao động, 80% chi phí điện, nước. Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải đã được vi sinh vật trong lớp đệm phân hủy triệt để nên không có mùi hôi như nuôi heo truyền thống. Ngoài ra, đệm lót sau khi sử dụng còn làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Đặc biệt là nông hộ không cần đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, bởi phân đã được xử lý triệt để. Ngoài ra, áp dụng hình thức chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học cũng là một trong những biện pháp phòng bệnh dịch tả heo châu Phi hiệu quả đang bùng phát trên diện rộng hiện nay.

Ông Huỳnh Ngọc Vũ, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn cho biết: “Năm 2018, Trạm khuyến nông huyện Hóc Môn hỗ trợ cho 10 con heo giống, được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học để nuôi heo. Sau 1 - 2 năm duy trì mô hình, tôi thấy nuôi heo trên nền đệm lót sinh học có nhiều cái lợi như heo lớn nhanh, ít bệnh”. Ngoài ra, không cần tắm heo nên giảm chi phí điện, nước, công chăm sóc và nhất là hạn chế được ô nhiễm môi trường.

Qua triển khai tại các huyện ngoại thành TP.HCM với 2 - 3 mô hình/năm, hầu hết các trạm khuyến nông đều đánh giá mô hình này khá hiệu quả, đáng kể nhất là heo tăng trưởng nhanh, khả năng thích nghi cao, trọng lượng bình quân heo xuất thịt đạt 98 kg/con sau 3 tháng nuôi. Tuy nhiên, số hộ duy trì và tham gia mô hình còn hạn chế do chi phí thực hiện mô hình khá cao, trong khi thu hồi vốn chậm (giá heo không ổn định, phân bón tận dụng từ mô hình khó bán ra thị trường), ngoài ra, mô hình yêu cầu kỹ thuật cao, trong khi năng lực áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế cũng khiến nông dân không muốn tiếp cận. Để tháo gỡ khó khăn này, ngành nông nghiệp cần có những giải pháp hữu hiệu hơn, đồng thời, người chăn nuôi cũng cần thay đổi tư duy và cách làm để có sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi heo an toàn sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO