Chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học

TRẦN HOÀN| 14/08/2020 10:48

KHPTO - Chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học đang được áp dụng tại TP.HCM. Việc ứng dụng kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, gia súc và hệ sinh thái.

Để có cơ sở chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ xây dựng chuồng trại, quản lý con giống và giống, vệ sinh chăn nuôi, quản lý thức ăn cho đến quản lý dịch bệnh, vệ sinh vắt sữa…

Về xây dựng chuồng trại cần đảm bảo các yếu tố như cách xa đường giao thông, khu dân cư và nguồn nước sinh hoạt. Ở các cổng ra vào của các khu chuồng trại và ở đầu mỗi dãy chuồng phải bố trí hố khử trùng, bể làm lắng, hố ủ phân và khu vực xử lý nước thải cần bố trí ở phía cuối trại, hướng chuồng đông nam hoặc đông bắc, nền chuồng không trơn láng, dễ thoát nước.

Người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng con giống phải đảm bảo. Đồng thời, khi mới nhập bò về phải nuôi cách ly để theo dõi, kiểm tra, bấm số tai, có sổ sách ghi chép đầy đủ thông tin.

Trước khi nhập bò phải vệ sinh chuồng trại, quét dung dịch vôi và phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Bò mới mua về phải đưa vào nơi nuôi cách ly để bò quen với hệ thống chuồng trại, khẩu phần thức ăn. Ghi chép lại những biểu hiện khác thường của bò sữa trong thời gian nuôi thích nghi, bò phải được ghi và lưu giữ hồ sơ về lý lịch.

Trong quá trình nuôi, phải đảm bảo kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm khu vực nuôi như hệ thống thoát nước, chuồng trại, mật độ nuôi, hệ thống thông gió. Thường xuyên thay thuốc sát trùng của hố khử trùng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh các dãy chuồng và khu chăn nuôi, ít nhất 2 tuần/lần. Khi xuất nhập nguyên liệu và thức ăn phải ghi chép đầy đủ các thông tin về số lượng, tên hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, đánh giá cảm quan, mùi vị... Khi đưa vào kho bảo quản, phải đặt đúng vị trí hoặc đúng với bồn chứa đã được đánh dấu. Đối với nguyên liệu dự trữ phải đạt yêu cầu về độ ẩm và để trong kho có đủ các tiêu chuẩn về diện tích, độ thông thoáng, nhiệt độ và ngăn ngừa sự phá hoại của sâu mọt, nấm mốc, côn trùng.

Về quản lý vắt sữa, cần có khu vực vắt sữa riêng, đủ diện tích, ánh sáng, nguồn nước sạch, có trang bị hệ thống thanh ngáng, giá cố định... để đảm bảo an toàn cho người vắt sữa. Người vắt sữa phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm, sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động và vệ sinh sạch sẽ trước khi vắt sữa. Dụng cụ vắt sữa phải được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng trước khi dùng. Ghi chép số lượng bò khai thác sữa, sản lượng sữa, tình trạng sức khỏe của từng con.

Về quản lý dịch bệnh, phải thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và có lịch tiêm phòng các bệnh chính theo quy định hiện hành. Khi điều trị bệnh, cần ghi chép thông tin đầy đủ về dịch bệnh, tên thuốc, liều lượng, lý do dùng, thời gian dùng, người điều trị, thời điểm ngưng thuốc. Không bán bò trong thời gian cách ly thuốc. Khi phát hiện bò chết phải báo với cán bộ kỹ thuật để có biện pháp xử lý. Việc sử dụng thuốc và vaccin phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan thú y, cán bộ thú y và nhà sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO