Chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông: cần tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh

ANH THƯ| 20/08/2020 07:11

KHPTO - Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ vừa đề nghị giáo viên khi chấm thi cần hài hòa và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh, bởi đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và quan điểm riêng của người viết.

Cung cấp dữ liệu chính xác cho tuyển sinh đại học

Theo thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác coi thi đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính lịch sử khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được các địa phương hoàn tất, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra và được xã hội đánh giá tích cực. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu. Để làm nên thành công của cả kỳ thi, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh và tạo niềm tin cho nhân dân, cần có đóng góp quan trọng của công tác chấm thi.

“Đề nghị các thầy cô bằng tinh thần trách nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc chấm thi, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, chính xác, khách quan, công bằng, phản ánh đúng chất lượng học tập của thí sinh và cung cấp dữ liệu chính xác cho tuyển sinh đại học”, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Việc chấm thi tự luận và trắc nghiệm không phải mới đối với các địa phương nhưng năm nay quy chế và phần mềm chấm thi có một số điểm mới nhằm tăng cường tính bảo mật, chặt chẽ, khoa học cho quy trình chấm thi, nên các địa phương không được chủ quan. Từng cán bộ tham gia chấm thi phải nắm chắc quy chế, quy trình tổ chức chấm thi để thực hiện chính xác, hiệu quả. Những điều này Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn chi tiết, tường minh, để các địa phương và từng cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi thuận tiện thực hiện.

Theo quy chế, mỗi bài tự luận sẽ được 2 cán bộ chấm thi ở hai tổ khác nhau chấm độc lập rồi thống nhất điểm lại. Thứ trưởng đề nghị đảm bảo tuyệt đối quy định chấm 2 vòng độc lập này và quy trình chấm thi, để đảm bảo điểm số của bài thi là phù hợp, chính xác.

“Khi nguyên tắc này được thực hiện đúng, cùng với việc các giám khảo nắm chắc quy chế, thống nhất nhận thức, chấm đều tay, thì sự chênh lệch điểm số giữa hai giám khảo 1 và 2 sẽ không cao, thậm chí không còn khoảng cách. Khi đó, kết quả chấm sẽ là chính xác và tốt nhất”, thứ trưởng yêu cầu.

Trong quá trình chấm thi môn tự luận, có nhiều vấn đề giáo viên muốn giữ quan điểm của mình. Tuy vậy, thứ trưởng cho rằng, các thầy cô cần hài hòa và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh bởi đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và quan điểm riêng của người viết. “Tuyệt đối không được bảo thủ và phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết”, thứ trưởng nhấn mạnh.

Những sai lầm thường gặp trong quá trình chấm thi, như: chấm sót, cộng nhầm điểm... các giáo viên cần hết sức quan tâm để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng cho thí sinh.

Quy trình chấm thi trắc nghiệm gồm 4 bước và được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Một số quy định lần đầu tiên áp dụng trong năm nay, nhằm gắn chặt chẽ trách nhiệm của chủ tịch hội đồng thi với công tác chấm thi trắc nghiệm.

Thứ trưởng đề nghị các cán bộ chấm thi nắm chắc quy định, quy trình, bình tĩnh, cẩn trọng trong thực hiện và quyết tâm làm tốt công tác này để khẳng định niềm tin với nhân dân, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Vừa chấm bài vừa chống dịch

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó thứ trưởng yêu cầu hội đồng thi đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đảm bảo an toàn sức khỏe phòng chống dịch cho các cán bộ tham gia chấm thi theo hướng dẫn của Bộ y tế, Bộ GD&ĐT. Giống như công tác coi thi, việc chấm thi cũng phải đảm bảo “mục tiêu kép” là an toàn sức khỏe cho tất cả những người tham gia, an toàn về quy chế và đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã đặt ra các tình huống cụ thể để kiểm tra việc nắm quy chế, cũng như cách xử lý của cán bộ trực tiếp chấm thi. Thứ trưởng yêu cầu, trước các tình huống phát sinh, các thầy cô cần bình tĩnh xử lý theo nguyên tắc đúng quy chế, đảm bảo công bằng và đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.

Hiện nay, việc chấm thi tại các địa phương đang được thực hiện nghiêm túc, tất cả nhân sự tham gia công tác chấm thi đều được lựa chọn đảm bảo 2 yếu tố: trình độ và thái độ, trách nhiệm. Các sở GD&ĐT đã trang bị đầy đủ các phương tiện, như máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng cho đội ngũ cán bộ chấm thi. Cũng như coi thi, một lực lượng đã được tập huấn về công tác chấm thi luôn sẵn sàng thay thế khi có những tình huống đột xuất xảy ra.

Trước khi thực hiện công tác chấm thi, tất cả cán bộ, giáo viên được phổ biến kỹ lưỡng quy chế, các điểm mới trong quy định chấm thi tự luận, chấm trắc nghiệm năm 2020. Đặc biệt, năm nay công tác chấm thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thầy cô đều được nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Tất cả cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi đều được rà soát lịch sử dịch tễ để đảm bảo không ai liên quan đến dịch bệnh. Trước khi vào khu vực chấm thi, cán bộ, giáo viên được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, yêu cầu sử dụng khẩu trang y tế. Khu vực chấm thi được khử khuẩn; các phòng chấm thi thực hiện giãn cách...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông: cần tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO