Chăm sóc cây dừa thích nghi với hạn mặn

TRẦN THỊ VÂN (Trung tâm khuyến nông Bến Tre)| 14/04/2019 07:16

KHPTO - Nắng hạn đang diễn ra khiến độ mặn tại các địa phương ở tỉnh Bến Tre tăng cao, làm người sản xuất nông nghiệp lo lắng. Dừa vốn là cây trồng truyền thống của người dân Bến Tre, trước diễn biến thời tiết như hiện nay, người trồng dừa cần lưu ý những biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau:

Thiết lập hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa nắng

Thiết lập hệ thống cống cấp thoát nước của vùng hoặc từng vườn với đường kính phù hợp. Nên có cống cấp và thoát nước riêng nếu điều kiện cho phép sẽ giúp sự luân chuyển nước tốt chống sự tích tụ phèn, mặn trong vườn. Có thể thiết kế kiểu cống 2 chức năng:

- Cống đáy khi lắp đặt cống thẳng nằm ngang sâu dưới đáy mương nơi lấy nước vào vườn và làm chức năng xả cạn nước trong hệ thống mương để xổ phèn mặn khi mùa mưa đến hoặc lúc bồi bùn cho vườn.

- Cống lửng khi lắp thêm một đoạn ống thẳng đứng để giữ lại mực thủy cấp phù hợp trong vườn lúc nước ròng qua một co nối L ở đầu cống và lấy nước bổ sung vô vườn khi nước lớn cao khỏi đầu ống.

Bên trong cần nạo vét hệ thống mương vườn sao cho đủ sâu, rộng, kín nước (không bị rò rỉ bởi các lỗ mọi) để làm chức năng trữ ngọt, đủ nước tưới cho các tháng mặn cao điểm trong mùa khô. Chú ý khi tích nước ngọt, mực nước cao nhất phải còn cách mặt liếp 0,5 m để không làm thối rễ dừa. Dùng bạt phủ mặt mương, hồ chứa cũng giúp hạn chế mất nước do bốc thoát bề mặt đáng kể (khoảng 1 - 1,5 cm/ngày, tức khoảng 30 - 45 cm/tháng).

Thiết kế hệ thống lấy nước bổ sung ngoài đê bao để tận dụng lấy nước tưới cho vườn khi nước lợ dưới 30/00, chú ý tưới nhiều nước đủ để vừa cấp nước cho vườn, vừa rửa được phèn mặn tích tụ trên bờ liếp lúc mặn cao điểm xuống mương vườn.

Trong vườn cần phủ liếp giữ ẩm trong mùa khô bằng các vật liệu có sẵn như các tàu dừa, cỏ khô, rơm rạ... hoặc màng phủ nông nghiệp. Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng giúp kéo dài thời gian cấp nước cho vườn bởi hệ thống trữ ngọt trong vườn.

Sử dụng phân bón hợp lý

Bổ sung một số loại phân bón và bón phân hợp lý sẽ giúp dừa tăng tính chống chịu với hạn mặn; chủng loại, số lượng, cách bón được trình bày ở bảng sau:

Các lưu ý khi chăm sóc

- Trước khi mặn xâm nhập: chủ động tích ngọt trong hệ thống mương chứa, tích cực phủ gốc giữ ẩm và tưới đủ ẩm; kết hợp bón vôi và phân thúc cho vườn.

- Khi hạn mặn xảy ra: củng cố hệ thống phủ liếp giữ ẩm, tưới nước ngọt đã dự trữ cho cây với hệ thống tưới tiết

kiệm nước, khoảng cách giữa 2 lần tưới khoảng 5 - 7 ngày, nếu nước dự trữ còn nhiều cần kết hợp bón phân thúc theo lịch dự kiến.

- Khi kết thúc thời kỳ hạn mặn: cần bón phân có nhiều lân, acid humic như phân hữu cơ các loại, Super Humic, DAP hoặc super lân, vôi dolomite để giảm thiểu độc chất do phèn, mặn, kích thích cây ra rễ mới phục hồi sinh trưởng. Sau khi bón được khoảng 3 - 4 tuần và có mưa đầu mùa ổn định thì tiến hành chăm sóc, bón phân bình thường trở lại.

Cách phòng trừ một số dịch hại trong thời kỳ hạn mặn

Bọ dừa:

- Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Actara (Thiamethoxam), Karate (Lambda-cyhalothrin), Abamectin... pha theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì, phun thẳng vào đọt dừa, nhất là vào búp lá non. Hoặc trộn thuốc vào mạt cưa hay mụn dừa, dùng vải túm lại và nhét vào đọt non các cây dừa tơ dưới 3 năm tuổi.

- Dùng ong ký sinh Asecodes hispinarum, kiến vàng để diệt bọ dừa đối với dừa trên 3 năm tuổi.

Bọ vòi voi

- Vệ sinh vườn dừa thường xuyên. Phát hiện những trái bị nhiễm nên tiêu hủy để hạn chế phát tán lây lan.

- Có thể sử dụng các loại thuốc hóa chất fipronil (Regent, Virigent, Tungent) hỗn hợp với thuốc Cúc tổng hợp (như Sherbush, Karate) và chất bám dính để phòng trị bằng cách phun xịt lên khắp các buồng trái non của cây dừa đang bị gây hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc cây dừa thích nghi với hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO