Cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở dựa trên IoT và điện toán đám mây

N. HOA| 27/06/2020 07:23

KHPTO - Bộ khoa học và công nghệ vừa tổ chức phiên họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu dự báo nguy cơ tai biến trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”, do PGS. TS. Đỗ Minh Đức làm chủ nhiệm, Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.

Nghiên cứu ghi nhận 375 khối trượt trên 15 tuyến đường giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam gồm đường Hồ Chí Minh, 6 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ. Các khối trượt có thể tích lớn đến cực kỳ lớn chiếm tới 32%, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như các tuyến đường 40B, 24C, 14E và đường Hồ Chí Minh. Áp dụng các phương pháp phân tích thống kê và mô hình học máy, đề tài đã xây dựng được ma trận cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở kết hợp giữa nguy cơ trượt lở của các đoạn đường với ngưỡng mưa gây trượt lở. Trên 15 tuyến đường đã phân loại thành 480 đoạn đường có nguy cơ trượt lở, trong đó 47 đoạn có nguy cơ cao và 189 đoạn có nguy cơ rất cao.

Đề tài đã xây dựng được ma trận cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở kết hợp giữa nguy cơ của các đoạn đường với ngưỡng mưa gây trượt lở (xây dựng trên cơ sở lượng mưa ngày, mưa tích lũy trong 6 và 12 ngày). Với các phương pháp quan trắc tổng hợp (mưa, các thông số địa kỹ thuật) cùng số liệu dự báo qua kết nối API, nguy cơ trượt lở được dự báo trước 5 ngày (cập nhật hàng ngày) và theo thời gian thực. Các thông tin dự báo, cảnh báo trượt lở được truyền tải trực tiếp, kịp thời đến các cá nhân, đơn vị hữu quan thông qua email, apps di động, tin nhắn và trên website http://quangnam.truotlo.com.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở dựa trên IoT và điện toán đám mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO