Cần vượt qua những thách thức trong phát triển doanh nghiệp khoa học & công nghệ

TUYẾT MAI| 19/06/2014 09:25

Theo ông Phạm Tấn Kiên, phòng quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM thì đối tượng thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, phần mềm tin học; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế; công nghệ tự động hóa; vật liệu mới, nano; bảo vệ môi trường; năng lượng mới; vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định. Việc xác định đối tượng thành lập doanh nghiệp KH&CN thuộc lĩnh vực nào gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể về các lĩnh vực nêu trên, đặc biệt một số lĩnh vực rộng như: công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường.

Việc doanh nghiệp chứng minh sở hữu hoặc sử dụng kết quả KH&CN gặp thuận lợi nếu kết quả KH&CN là các văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, chương trình máy tính) đã được cấp hoặc là kết quả của các chương trình, đề tài, dự án KH&CN do Nhà nước đầu tư với quy trình thực hiện cụ thể, đầy đủ giấy tờ lưu chứng. Nhưng nó là thách thức, khó khăn nếu kết quả KH&CN do chính doanh nghiệp tự đầu tư bằng nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị và kinh phí) của mình khi trình tự và hồ sơ nghiên cứu không thực hiện đầy đủ.

Ngoài ra, việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN gắn liền với việc xác nhận danh mục sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN. Việc làm này là cơ sở để xem xét ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định. Tuy nhiên, kết quả KH&CN thông thường chỉ giải quyết vấn đề cho một phần của sản phẩm thương mại, không giải quyết trọn vẹn cho một sản phẩm. Ông Kiên nêu dẫn chứng cụ thể, dây chuyền sản xuất gạch không nung là sản phẩm của một công ty, dây chuyền bao gồm: thiết bị, máy móc công đoạn nạp liệu, công đoạn trộn; máy ép; thiết bị; máy móc công đoạn thành phẩm. Kết quả KH&CN của công ty là máy ép, vì lẽ đó sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN là máy ép, nhưng sản phẩm của công ty bán trên thị trường là toàn bộ dây chuyền sản xuất gạch không nung, trong đó có máy ép. Đây là vấn đề khó khăn cho hội đồng thẩm định và doanh nghiệp.

Một vấn đề không thể không đề cập là việc hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp KH&CN gặp nhiều khó khăn, chính sách ưu đãi không thống nhất đối với các doanh nghiệp trên cả nước, có công ty bị khấu trừ thời gian ưu đãi, trong khi đó doanh nghiệp tương tự thì không bị khấu trừ. Việc thiếu nhất quán này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai các hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP.HCM.

Thời gian qua, Bộ KH&CN cũng đã có kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành về việc thực thi các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN, tạo sự nhất quán và đồng bộ giữa các ngành khi thực hiện quy định của Nhà nước, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo động lực cho doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp KH&CN, triển khai các hoạt động nghiên cứu KH&CN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, lại chưa có hướng dẫn cụ thể điều kiện tham gia và những lợi ích đem lại cho doanh nghiệp khi tham gia chương trình

Vì thế, theo ông Kiên, để các doanh nghiệp KH &CN hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, thành phố cần phải thực hiện nhanh chóng cơ chế quỹ trong hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để việc triển khai các đề tài, dự án phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu thị trường và đáp ứng tính thời sự của xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cần nhanh chóng ban hành quy định giao kết quả đề tài nghiên cứu cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu để đẩy mạnh việc ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần vượt qua những thách thức trong phát triển doanh nghiệp khoa học & công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO