Cần Thơ giảm đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái chất lượng cao

Bài và ảnh: HOÀNG VŨ| 06/07/2021 05:15

KHPTO - Những năm gần đây về các huyện như: Thới Lai, Phong Điền, Cờ Đỏ và quận Ô Môn, Thốt Nốt thấy rõ đời sống bà con nông dân khá hơn nhiều, hỏi ra mới biết là các hộ dân này đã nhiều năm nay mạnh dạn chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, vú sữa, nhãn, măng cụt, cam, mít Thái, mãng cầu… đang cho thu nhập ổn định.

Điển hình như gia đình anh Đào Huy Lực, ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, từ 7 ha đất ruộng nhiều năm trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Năm 2019, anh mạnh dạn bỏ ra gần 1 tỷ đồng thuê người lên bờ từ mảnh đất ruộng đang canh tác lúa để trồng hai loại cây ăn trái mà anh thấy hiệu quả đó là mít và sầu riêng theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.

Đặc biệt, mít Thái anh trồng 8 tháng bắt đầu cho trái chiếng, đến 12 tháng là có thể cho thu hoạch trái bán. Hiện gia đình anh Lực đã có nguồn thu khá tốt từ vườn cây mít dù mới chỉ lập vườn chưa được 2 năm.

Nhìn chung, thu nhập từ cây mít đã đảm bảo dư tiền phân bón và trang trải các chi phí để “nuôi” cho cây sầu riêng, loại cây mà được gia đình anh xác định là cây chủ lực trong tương lai. Loại sầu riêng được gia đình anh Lực chọn trồng là sầu riêng hạt lép, với các giống chủ lực gồm Ri 6 và Monthong. Theo dự kiến của anh Lực, khi sầu riêng đạt 3 năm tuổi trở lên thì cho trái, anh sẽ chặt bỏ dần bớt các cây mít ở gần cây sầu riêng để nhường không gian phát triển cho cây sầu riêng.

Có 1,5 ha đất trồng lúa gần 30 năm nay nuôi 5 miệng ăn trong gia đình, nhưng nhiều năm qua gia đình ông Ngô Văn Lợi ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ vẫn không khá hơn ai trong xóm, chỉ đủ ăn và nuôi con cái ăn học. Kể từ đầu năm 2018, nông dân này mạnh dạn chuyển 1 ha đất lúa sang trồng thanh long, đất còn lại ông vẫn tiếp tục trồng lúa để có gạo ăn trong năm.

Ban đầu ông Lợi bỏ ra chi phí đầu tư cây giống, trụ và hệ thống ống nước, đường điện… hơn 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay của ngân hàng.

Sau hơn 10 tháng trồng, vườn thanh long xanh tốt trên vùng đất chuyên canh trồng lúa và cho trái chiếng. Vụ đầu, gia đình ông thu hoạch trái được gần 1 tấn và bán cho vựa trái cây với giá hơn 30.000 đồng/kg.

Cứ thế 4 tháng, thu hoạch một lần. Các vụ sau, năng suất đạt khoảng 250 kg/công, với giá bán trung bình khoảng 15.000 -20.000 đồng/kg. Ông Lợi phấn khởi cho biết: Trước đây, hai vợ chồng trồng lúa 3 vụ/năm nhưng cuộc sống không khá lên nổi, xem trên tivi thấy nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Long An và Tiền Giang hiệu quả nên học hỏi kỹ thuật, vay mượn vốn và bỏ lúa sang trồng

thanh long. Tuy mới thu hoạch thanh long được 2 - 3 năm nay đã giúp đời sống gia đình ông Lợi khá hơn trước rất nhiều so với thời điểm trồng lúa. Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thanh long bán giá thấp, nhưng ông Lợi kỳ vọng khi dịch qua đi, thanh long xuất khẩu sang các nước được thuận lợi thì giá sẽ tăng cao.

Ông Trần Thái Nghiêm, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết: Từ năm 2015, việc sản xuất cây ăn trái được chú trọng và phát triển theo hướng xuất khẩu, trở thành loại cây chủ lực của TP. Cần Thơ. Nông dân đã chuyển các diện tích đất ruộng kém hiệu quả, đất vườn tạp và vườn không chuyên canh sang chuyên canh trồng các loại cây ăn trái đặc sản, ngon: sầu riêng, xoài, nhãn, vú sữa, dâu Hạ Châu... mang lại giá trị kinh tế cao.

Tính đến thời điểm này, tổng diện tích trồng cây ăn trái của toàn thành phố hơn 21.000 ha, như: vú sữa, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài, cam, bưởi, chuối, thanh long, mít… Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ về vốn, giống cây trồng và kết nối cung cầu nhằm giúp người dân trồng cây ăn trái đạt hiệu quả.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng tốt cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn thành phố có hơn 101 ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các hợp tác xã và tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP, với các loại cây ăn trái: xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ giảm đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO