Cần nhiều giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 11/12/2018 14:12

KHPTO - Ngày 11/12/2018 tại TP.HCM, Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) phối hợp với Trung tâm phát triển KH&CN trẻ (Thành Đoàn TP.HM) tổ chức hội thảo khoa học: "Khởi nghiệp ứng dụng KH&CN khu vực Tây Nam Bộ và TP.HCM" nhằm nhìn nhận, đánh giá các mô hình cũng như nhu cầu, hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp (KN) tại Việt Nam và thế giới, từ đó đề xuất một số chính sách và giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái KN và doanh nghiệp (DN) KN thành công.

Theo Tổng cục thống kê, từ đầu năm tính đến ngày 30/8/2018, cả nước có gần 87.500 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% về số DN và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. TP.HCM và Tây Nam Bộ là một trong những khu vực có tiềm năng kinh tế lớn, dự báo sẽ là một trong các vùng phát triển kinh tế mạnh và lớn nhất cả nước.

Theo PGS, TS. Phạm Xuân Đà – cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) - xu hướng KN sáng tạo chiếm ưu thế hơn so với hình thức khởi sự kinh doanh, chiếm 59,6% trên tổng số nhu cầu được khảo sát. KN sáng tạo dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới từ đó sẽ xây dựng phân khúc thị trường mới, tạo ra sự khác biệt và có mức độ tăng trưởng nhanh.

Hiện nay, hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang có nhiều khởi sắc và phát triển với sự gia tăng của các DN KN đổi mới sáng tạo. Chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái tại địa phương, đi đầu phải kể đến TP.HCM, sau đó là các tỉnh như Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – sáng lập Color Pencils, đồng sáng lập vườn ươm E3Hubs Vietnam – cho rằng, hiện có nhiều chương trình hỗ trợ KN cho hệ sinh thái KN Việt Nam nhưng chưa có một cơ quan chuyên trách nào. Nhiều chính sách hỗ trợ KN nhưng việc triển khai còn chậm và chưa đến được với nhiều startup. Nhà nước vẫn chưa có cơ chế ưu đãi về đầu tư và thoái vốn cho các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư, cũng như chưa có các chương trình thương mại hóa hiệu quả.

Theo bà Hương, Nhà nước cần có các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái KN Việt Nam như: cải thiện chính sách và môi trường đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ startup (tiếp cận thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, tiếp cận thị trường công …); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng văn hóa và tư duy KN; đưa DN vào quá trình xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ để đạt hiệu quả cao; truyền thông rộng rãi đến hệ sinh thái trước, trong và sau khi thực hiện chính sách; thực hiện chính sách nhanh, hiệu quả, dễ tiếp cận; có đầu mối liên lạc hỗ trợ doanh nhân trực tiếp…

Tại Việt Nam hiện nay, các chương trình/quỹ hỗ trợ KN có thể kể đến: SIHUB, VCCI, UP Green Life, Speed Up, Innofund, Quỹ thanh niên KN, Techport hay các Quỹ KN của một số trường đại học trên cả nước, Startup Đoàn thanh niên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO