Cần thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 26/07/2017 08:10

KHPTO - Tại buổi báo cáo về “Cách mạng công nghiệp 4.0 và cách thích ứng” vào chiều ngày 25/7/2017 tại TP.HCM, TS. Nguyễn Việt Dũng – giám đốc Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM (ảnh) – cho biết, tốc độ phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) ngày càng lớn và mạnh mẽ, gây ảnh hưởng sâu sắc đến toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, cần phải làm gì để tiếp nhận CMCN 4.0 là vấn đề phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc.

Yếu tố dẫn dắt CMCN 4.0 gồm: công nghệ chế tạo, công nghệ số, công nghệ sinh học. Ứng dụng vào cuộc CMCN 4.0 là quá trình sản xuất (SX) thông minh, đây hệ thống SX tích hợp toàn phần và hợp tác để đáp ứng kịp thời theo thời gian thực các yêu cầu và điều kiện thay đổi liên tục trong nhà máy, trong chuỗi cung ứng và yêu cầu của khách hàng. SX thông minh là năng lực giải quyết các vấn đề đang tồn tại và trong tương lai thông qua hạ tầng mở cho phép các giải pháp được ứng dụng triển khai với tốc độ kinh doanh và tạo ra giá trị tiên tiến. Doanh nghiệp (DN) ứng dụng SX thông minh là DN có kết nối cao, sử dụng tri thức để tối ưu hóa các hoạt động SX – kinh doanh nhằm đạt được năng suất cao, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả kinh tế.

Đặc điểm của CMCN 4.0 là tốc độ thay đổi theo hàm mũ, chiều rộng (đồng bộ trong nhiều ngành) và chiều sâu (thay đổi sâu sắc). Điều này đã dẫn đến tác động thay đổi cả hệ thống trên tất cả các nước, các ngành công nghiệp, đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội đến từng cá thể, điều hành xã hội đến điều hành DN.

Đó là sự tác động đến tăng trưởng kinh tế: sự già hóa dân số, năng suất lao động, chiến lược cạnh tranh. Ngoài ra, tiến bộ của công nghệ còn dẫn đến việc mất việc làm, cụ thể như ngành nông nghiệp vào thế kỷ thứ 19 cần đến 90% lao động chân tay thì hiện nay tỷ lệ trên chỉ còn 2%. Việc làm tạo ra trong các ngành công nghiệp mới như sau: năm 1980 là 8%, năm 1990 là 4,5% và đến năm 2000 chỉ là 0,5%. Theo dự báo, 47% việc làm ở Mỹ có nguy cơ biến mất sau 20 năm nữa. Đó là do sự tiến bộ của công nghệ làm tăng yêu cầu về hàng hóa và dịch vụ mới, do đó tạo ra việc làm mới, DN mới và ngành công nghiệp mới. Từ đây, nhu cầu việc làm tăng ở khu vực lao động sáng tạo, tư duy với thu nhập cao và giảm thiểu tối đa nhu cầu việc làm với thu nhập trung bình và có tính chất lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, các ngành sáng tạo cũng có thể bị thay thế bằng máy tính. Từ đây, vấn đề bất bình đẳng giới trong việc làm có thể gia tăng.

Cần làm gì để tiếp nhận CMCN 4.0 trong thời đại mới?

Theo TS. Nguyễn Việt Dũng, đối với DN cần đề ra chiến lược đổi mới sáng tạo (ĐMST), ứng dụng KH&CN, công nghệ thông tin. Đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của thị trường và cá thể người tiêu dùng. Phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển dịch vụ bổ trợ sản phẩm.

Đối với cá nhân cần phải học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ khoa học – kỹ thuật – công nghệ; phát triển kỹ năng theo hướng sáng tạo và giải quyết vấn đề; thực hành ĐMST, phát triển kỹ năng liên tục tái đào tạo và thích ứng với thay đổi.

Đối với Chính phủ cần hoàn thiện pháp luật trong xu thế xã hội biến đổi; đi đầu trong ứng dụng KH&CN trong quản lý, vận hành dịch vụ công; tái cấu trúc giáo dục – đào tạo, các ngành kinh tế; thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái ĐMST v.v...

Trong giai đoạn tới đây (2020 – 2025), dự kiến sẽ có 23 công nghệ thay đổi lớn bao gồm:

  1. Công nghệ cấy ghép: điện thoại cấy ghép.
  2. Bản thể số: 80% dân số.
  3. Giao diện ảo: 10% mắt kính kết nối internet.
  4. Wearable internet: 10% quần áo, phụ kiện kết nối internet.
  5. 90% dân số thường xuyên kết nối internet.
  6. 90% dân số sử dụng smartphone.
  7. 90% dân số có không gian lưu trữ không giới hạn và miễn phí.
  8. 1.000 tỉ cảm biến kết nối internet.
  9. 50% lưu lượng internet phục vụ kết nối nhà thông minh.
  10.  Thành phố thông minh.
  11.  Chính phủ kiểm soát bằng dữ liệu lớn.
  12.  10% xe không người lái ở Mỹ.
  13.  Người máy đầu tiên tham gia ban quản trị tập đoàn.
  14.  30% công việc kiểm toán trong tập đoàn được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.
  15.  Dược sĩ robot đầu tiên.
  16.  10% GDP toàn cầu lưu trữ bằng công nghệ blockchain (bitcoin).
  17.  Nền kinh tế chia sẻ.
  18.  Chính phủ ứng dụng blockchain thu thuế.
  19.  Xe ô tô đầu tiên được làm bằng công nghệ 3D.
  20.  Lá gan cấy ghép đầu tiên bằng công nghệ 3D.
  21.  5% hàng tiêu dùng sản xuất bằng công nghệ 3D.
  22.  Con người được chỉnh sửa gen đầu tiên được sinh ra đời.
  23.  Người đầu tiên được cấy ghép bộ nhớ nhân tạo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO