Cần hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện luật giáo dục năm 2019

Anh Thư| 24/11/2019 23:37

KHPTO - Tại hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật giáo dục năm 2019” do Trường ĐH luật TP.HCM tổ chức, PGS.TS.Nguyễn Văn Vân và ThS.Trần Thị Hương, đều cho rằng: nếu không có điều chỉnh khung pháp lý đi kèm thì các nội dung về tự chủ đại học trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học năm 2018 sẽ không thể đi vào cuộc sống.

Những điểm mới của Luật giáo dục

Theo TS.Thái Thị Tuyết Nhung và ThS.Trần Thị Ánh Minh, Trường ĐH luật TP.HCM, mục tiêu giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi, nhấn mạnh yếu tố “sáng tạo cá nhân” và hội nhập quốc tế. Theo Luật giáo dục 2019, giáo dục Việt Nam có mục tiêu “phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế".

So với mục tiêu giáo dục trong bộ luật năm 2005, tiêu chuẩn về "con người Việt Nam" mà giáo dục hình thành nên của bộ luật này đã được bổ sung thêm những tiêu chí như "có văn hoá", được "phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo cá nhân". Còn nền giáo dục có thêm trọng trách "nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" và đáp ứng thêm yêu cầu “hội nhập quốc tế".

Theo đó, việc dạy và học trong chương trình phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Cùng với mục tiêu giáo dục, Luật giáo dục 2019 cũng bổ sung các nội dung liên quan như phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên...

Quy định được xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (THPT) nếu không đậu tốt nghiệp THPT cũng là điểm mới của Luật giáo dục 2019, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp, nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận này được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác.

Còn bằng tốt nghiệp THPT được cấp cho học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu, được giám đốc sở giáo dục đào tạo cấp bằng. Như vậy, đã có sự phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.

Đối với học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu câu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Chỉ có khái niệm tự do học thuật và tự trị đại học

PGS.TS.Nguyễn Văn Vân và ThS.Trần Thị Hương, Trường ĐH luật TP.HCM, đều cho rằng: “Theo hiểu biết của chúng tôi, trong lĩnh vực giáo dục đại học ở các nước, không có khái niệm tự chủ mà chỉ có khái niệm tự do học thuật và tự trị đại học. Khái niệm tự trị đại học gắn liền với mục tiêu ‘tự do học thuật’, tức giải phóng tư duy để tiếp cận tri thức khoa học mới, chứ không phải gắn liền với mục tiêu tài chính là giải phóng gánh nặng ngân sách nhà nước cho giáo dục”.

Trong thực tế, tự chủ đại học bị hiểu lệch về mục tiêu và bản chất. Theo các nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thì tự chủ gắn liền mục tiêu tài chính là giải phóng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tức đơn vị đó tự tìm kiếm và đảm bảo nguồn thu thì được tự quản lý nguồn thu để thực hiện chi tiêu và tự chủ trong tổ chức và nhân sự. Theo cách hiểu này thì tự chủ tài chính là cốt lõi, là tiền đề (điều kiện) để tiến tới tự chủ về nhân sự, tổ chức và hoạt động chuyên môn. Cách hiểu như vậy phù hợp đối với các đơn vị sự nghiệp kinh tế nhưng hoàn toàn không phù hợp với đơn vị sự nghiệp là cơ sở giáo dục đại học.

Hệ lụy từ cách hiểu này sẽ là cắt giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, khởi động cuộc đua tăng học phí để tăng nguồn thu, sử dụng mọi chiêu "đánh bóng" thương hiệu, cung cấp thông tin không trung thực và cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Ngoài ra, khi tuyệt đối hóa quan hệ "tiền - quyền" trong nội bộ cơ sở giáo dục đại học thì tất yếu sẽ phát sinh tình trạng thâu tóm và lạm quyền, vi phạm nguyên tắc dân chủ, tích tụ nguy cơ tụt hậu cơ sở giáo dục đại học đó nói riêng và cả hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Cả PGS.TS.Nguyễn Văn Vân và ThS.Trần Thị Hương đều khẳng định: “Điều kiện tiên quyết để khơi thông con đường đến tự chủ đại học là thay đổi quan niệm (nhận thức) về tự chủ đại học”. Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập không thể sử dụng cho cơ sở giáo dục công lập, mà phải ban hành một nghị định riêng về cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục.

Xung đột pháp luật cũng là vấn đề cần quan tâm. Nhiều nội dung về tự chủ đại học trong nghị quyết 77/2014/NQ-CP đã bị đóng băng.

Những nội dung trong Luật giáo dục 2019 và Luật giáo dục 2012, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học 2018 cũng không nằm ngoài nguy cơ đó. Lý do là vì các quy định pháp luật về tài chính công và đầu tư công có đối tượng và phạm vi áp dụng rộng, bao quát toàn bộ hoạt động tài chính công và tài sản công. Cơ sở giáo dục đại học công lập cũng là chủ thể quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công, do vậy đương nhiên phải tuân thủ các luật nói trên.

Đa phần các luật nói trên không có quy định đặc thù (cơ chế tự chủ) để áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nghĩa là các luật nói trên đã vô hiệu hóa các quy định về tự chủ trong pháp luật giáo dục. Khi thực thi nhiệm vụ kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, các cơ quan nhà nước đương nhiên sẽ ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành hoặc văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, do vậy ranh giới đúng sai rất mờ nhạt và chứa đựng rủi ro tiềm ẩn trong quá trình điều hành và ra quyết định tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Khung pháp luật lạc hậu như vậy thực sự cản trở và gây tâm lý bất an cho cơ sở giáo dục đại học khi chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ.

Vẫn theo PGS.TS.Nguyễn Văn Vân và ThS.Trần Thị Hương, người quản lý cơ sở đại học công lập sẽ không dám, không thể hoặc chỉ áp dụng thận trọng các nội dung về tự chủ đại học trong các luật giáo dục (cho dù chúng hoàn hảo, hợp lý) vì họ có thể đối mặt với các rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện luật giáo dục năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO