Cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy kiến tạo phát triển đồng bằng sông Cửu Long

GIA PHÚ - ĐỨC TOÀN thực hiện| 28/09/2017 10:20

KHPT - Trong hai ngày 26 và 27/9/2017, tại TP. Cần Thơ, Hội nghị của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), với sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM và 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Hội nghị nhằm huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đóng góp cho quyết sách lớn có tính hệ thống, chiến lược, của Chính phủ đối với phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Ngày 26/9, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.  Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ĐBSCL, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với BĐKH. Với sự nỗ lực của các địa phương, sự giúp đỡ của các đối tác phát triển ĐBSCL đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong 4 đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, chồng chéo, thiếu phối hợp. Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa. Sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.

Để định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, thích ứng BĐKH, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tại hội nghị, các đại biểu bộ, ngành, địa phương cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng; tập trung vào 4 chính sách quan trọng là phân tích, nhận diện đầy đủ các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo các xu hướng tác động chính, nhận diện được các cơ hội, trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn; thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách mới mang tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội thách thức, thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; xác định các dự án, nhóm nhiệm vụ quan trọng, lộ trình quan trọng thực hiện phù hợp  trong tổng thể  phát triển toàn vùng...

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở” trong khuôn khổ hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển bền vững ĐBSCL, ứng phó hiệu quả, thích ứng lâu dài với BĐKH cần cách tiếp cận bài bản, khoa học, vì người dân. Về cách tiếp cận vấn đề, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, thích nghi bền vững với BĐKH. Dựa trên cơ sở các kịch bản này, sẽ xây dựng được quy hoạch phát triển tổng thể, từ đó kế hoạch hóa, chỉ rõ nguồn lực, định hình những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể. Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện những kế hoạch phát triển đã đề ra một cách hiệu quả nhất.

Ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì phiên toàn thể bàn về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Sau đó, Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCLthích ứng với BĐKH.

Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia về vấn đề phát triển ĐBSCL tại diễn đàn lần này.

Anh_-_Bo_truong_Bo_NN-PTNT_Nguyen_Xuan_Cuong

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: ĐBSCL đối mặt thách thức lớn

Hiện nay, ĐBSCL đứng trước thách thức rất lớn, chịu tác động nhiều mặt. Trước hết, tác động BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất trong BĐKH, trong đó ĐBSCL là nơi chịu tác động lớn nhất. Thứ hai, tác động kinh tế phía thượng nguồn sông Mekong bộc lộ các mặt rất tiêu cực tác động đến quy luật tự nhiên đến ĐBSCL. Hiện nay, các hoạt động ở thượng nguồn, đặc biệt về thủy điện đã, đang và sẽ gây ra những tác hại rất lớn đến ĐBSCL. Cùng với đó là những hoạt động kinh tế khác chia sẻ nguồn nước ra khỏi lưu vực truyền thống. Bên cạnh tác động đến các thực bì, nhất là hệ thống rừng - nơi sinh thủy, giữ thủy, tiếp thủy đang bị tổn thương nghiêm trọng. Thứ ba là các hoạt động nội tại trong phát triển kinh tế của chúng ta và mặt trái của nó trong thời gian vừa qua.

Ba nhóm thách thức trên không chỉ tác động ngày càng tiêu cực mà còn ảnh hưởng, đưa ra những tác động mặt trái chưa lường hết được. Chính những điều này sẽ gây tổn thương đến sự phát triển chung đến dân sinh, xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế ĐBSCL. Trong đó các đối tượng chịu tác động lớn nhất, sớm nhất, tổn thương nhiều nhất là nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính vì vậy Chính phủ tổ chức diễn đàn Hội nghị về phát triển kinh tế bền vững thích ứng BĐKH, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là một trong 3 nội dung cần bàn thảo về: Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm thích ứng tình hình BĐKH; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển để đưa ra những nhóm giải pháp trước mắt, khuyến nghị giải pháp lâu dài và công tác thủy lợi nhằm chuyển trục thích ứng với tái cơ cấu nông nghiệp và đời sống người dân. Tại diễn đàn kỳ vọng đại diện lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và người dân có những đóng góp ý kiến tâm huyết, tích cực, trách nhiệm. Bộ NN&PTNT tiếp thu các ý kiến đóng góp đó và sẽ phối hợp cùng các địa phương và bộ, ngành báo cáo Chính phủ tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng như hai nhóm giải pháp chống sạt lở và thủy lợi phục vụ tái cơ cấu và bố trí lại đời sống dân cư trong chương trình thích ứng BĐKH và phát triển bền vững.

Anh_-_Bo_truong_Bo_TN-MT_Tran_Hong_Ha

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Chuyển đổi ĐBSCL phát triển lâu dài...

ĐBSCL đang đối mặt với tình hình BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận như nước mặn xâm nhập vào nội đồng, sụp lún đất ở, khô hạn, sạt lở, thiên tai... ĐBSCL là vùng trọng tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Có được ĐBSCL như hôm nay, nhờ sự hình thành từ hệ thống sông Mekong vốn mang nhiều phù sa tạo nên. Thế nhưng, vùng châu thổ này đang gặp vấn đề thách thức lớn trước BĐKH. Từ ngàn xưa, đất và nước luôn song hành với nhau, nơi nào có đất và nước thì nơi đó sẽ cho vùng đó trù phú, phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh tốt giúp nền nông nghiệp phát triển. Từ đó vấn đề sử dụng tài nguyên đất và nước đưa ra thực tiễn các mô hình thích nghi với ĐBKH và những chủ trương chính sách chiến lược... nhằm mục đích chuyển đổi ĐBSCL phát triển bền vững lâu dài mà Thủ tướng Chính phủ quan tâm.

ANH_-_Ong_Vo_Thanh_Thong_-_CT_UBND_TP._Can_Tho

Ông Võ Thành Thống, chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: Nâng cao năng lực thích ứng BĐKH

Những năm gần đây, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của cả vùng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư trong vùng. Những tác động cụ thể như mức gia tăng nhiệt độ không khí, lượng mưa, mức độ ngập lụt, xâm nhập mặn, dông lốc, sạt lở ngày càng nhiều. Riêng về sạt lở bờ sông: thiệt hại do sạt lở gây ra trên địa bàn TP. Cần Thơ trong giai đoạn 2010 - 2016 có 125 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở khoảng 4.463 m; số nhà hư hại hoàn toàn 63 căn nhà. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP. Cần Thơ xảy ra 28 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 1.583 m. Ngoài ra, theo thống kê cụ thể trên địa bàn Cần Thơ có trên 106 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài đoạn có nguy cơ sạt lở khoảng 52.788 m.

Trong bối cảnh BĐKH, các rủi ro là tiềm ẩn, khó dự báo, do vậy việc nâng cao năng lực thích ứng, khả năng phục hồi cho cộng đồng là vô cùng quan trọng. Theo quan điểm của TP. Cần Thơ về định hướng phát triển bền vững của vùng giữa trong điều kiện BĐKH chủ động ứng phó BĐKH và bảo vệ tài nguyên môi trường, trước mắt cần giảm ngay khai thác nguồn nước ngầm, chống sụt lún đất. Kiểm soát dòng chảy nước ngọt và nước mặn tại các cửa sông nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Tăng cường khai thác bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ven biển, phục hồi vùng rừng ngập mặn ven biển và tăng cường trồng và khai thác các giống cây, thủy sản chịu mặn giá trị, thích ứng với BĐKH.

Anh_-_GS-TS_Vo_Tong_Xuan

GS.TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp: Cần bỏ những quy hoạch từng ngành riêng lẻ

ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong đó đáng kể nhất là tác động của BĐKH đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng như ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, đời sống người dân vùng ĐBSCL. Trước đây báo cáo theo số liệu, hình ảnh rất đẹp nhưng không thực hiện được nên đã đến lúc cần phải tích hợp lại. Đặc biệt, lưu ý đến những vấn đề “nóng” ở ĐBSCL như sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, hạ tầng giao thông vận tải, nguồn nhân lực cho vùng trong điều kiện BĐKH; các thách thức mà ĐBSCL gặp phải trong điều kiện BĐKH hiện nay tới năm 2100. Do vậy, tôi mong muốn và đề nghị đến Chính phủ sẽ từ bỏ những quy hoạch từng ngành riêng lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy kiến tạo phát triển đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO