Cần đổi mới giáo dục đạo đức

N.Hoa| 28/09/2018 15:51

KHPTO - Bên cạnh những ưu điểm, giáo dục đạo đức trong chương trình môn giáo dục công dân hiện hành do chủ yếu truyền thụ kiến thức nên chưa khắc phục được tính hàn lâm, coi trọng lý thuyết, coi nhẹ thực hành, chưa chú trọng đến việc hướng dẫn tự học, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, chưa hướng tới việc hình thành cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội, đây là ý kiến của TS. Đào Đức Doãn, Trường đại học sư phạm Hà Nội.

Tạo ra áp lực cho cả dạy và học

Nhiều nội dung dạy học có kiến thức khô khan, chưa gắn với đời sống tuổi trẻ, chưa cập nhật được những thay đổi của đất nước và thời đại, không phù hợp với độ tuổi của học sinh, chưa thực sự là kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi, chưa sát với từng đối tượng, tạo ra áp lực cho cả dạy và học. Kiến thức lồng ghép trong giáo dục đạo đức quá ôm đồm, thiếu tính hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Do chủ yếu theo định hướng nội dung nên việc đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục đạo đức chưa thực sự chuyển biến theo hướng phát triển các kỹ năng sống phù hợp với các chuẩn mục đạo đức. Do nội dung giáo dục dạo đức nặng về lý thuyết nên phương pháp chủ yếu được sử dụng phổ biến vẫn là phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đọc chép, ít gắn với thực tiễn cuộc sống, nặng về giáo dục giá trị đạo đức mà chưa chú trọng giáo dục hành vi đạo đức, kỹ năng sống.

Khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhiều giáo viên còn yếu. Bên cạnh một số ít giáo viên có ý thức đổi mới phương pháp dạy học và sử dụng các phương tiện dạy học tích cực, nhiều giáo viên thiếu một phông kiến thức sâu rộng, chưa cập nhật được những thông tin mang tính thời sự vào bài giảng nên mới dừng ở việc truyền thụ kiến thức lý thuyết trên lớp, lệ thuộc sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn giảng dạy, thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học trải nghiệm. Các phương tiện dạy học như: tranh ảnh, sơ đồ, bảng biểu, đồ dùng trực quan, video clip. . . chưa được sử dụng nhiều. Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả giáo dục chậm được đổi mới, phổ biến vẫn là kiểm tra kiến thức, chưa chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực.

TS. Đào Đức Doãn cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có nhiều bất cập. Tuy có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng về cơ bản vẫn thiếu rất nhiều giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, đặc biệt ở bậc THCS. Chương trình và phương thức đào tạo giáo viên giáo dục đạo đức – giáo dục công dân trong các trường sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào tạo còn thấp. Công tác bồi dưỡng giáo viên được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thật hiệu quả do nội dung, hình thức, phương pháp chưa sát với nhu cầu giáo viên, đặc biệt là nhu cầu được thực hành thiết kế chủ đề, tình huống thực tiễn, thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đạo đức. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên môn học này chưa phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm.

Giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức

TS. Đào Đức Doãn đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức trong chương trình môn giáo dục công dân mới. Riêng về quan điểm đổi mới giáo dục đạo đức, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, giáo dục đạo đức trong chương trình môn giáo dục công dân cần dựa trên các quan điểm sau:

1) Tuân thủ các định hướng đã nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về định hướng chung cho tất cả các môn học và định hướng xây dựng chương trình môn giáo dục công dân.

2) Bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và tính thực tiễn, dựa trên cơ sở: a) đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng con người trong giai đoạn hiện nay; b) các thành tựu nghiên cứu về tâm lí học, giáo dục học, đạo đức học, pháp luật học,...; c) kinh nghiệm trong nước và quốc tế về giáo dục đạo đức, đặc biệt là giáo dục đạo đức trong chương trình môn giáo dục công dân những năm gần đây của Việt Nam và của những quốc gia phát triển; d) các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và giá trị chung của nhân loại; e) thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hóa Việt Nam, sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

3) Chú trọng tích hợp nhiều nội dung giáo dục cơ bản, thiết thực, hiện đại về giá trị sống, kĩ năng sống, pháp luật, kinh tế; tích hợp nhiều chủ đề giáo dục cần thiết như: giáo dục quyền trẻ em, giáo dục môi trường, giáo dục bình đẳng giới, giáo dục sức khỏe vị thành niên, giáo dục phòng chống ma túy, phòng tránh HIV/AIDS, giáo dục tài chính,...

4) Đảm bảo tính hệ thống. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở), nội dung giáo dục đạo đức được xây dựng xoay quanh các chủ đề về mối quan hệ của con người với bản thân, người khác, công việc, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên; mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học đến trung học cơ sở. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), nội dung giáo dục đạo đức được xây dựng xoay quanh các chủ đề về quan hệ kinh tế và pháp luật, gắn liền với giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật.

5) Được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định nội dung dạy học chi tiết cho từng bài học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt; những nội dung dạy học cơ bản, cốt lõi cho mỗi lớp nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt; những định hướng chung về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của học sinh. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt và các định hướng chung bắt buộc này, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên môn học hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục cụ thể theo yêu cầu chương tr.nh. Giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học, nhưng phải bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đổi mới giáo dục đạo đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO