Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ

TUYẾT MAI| 22/12/2020 19:30

KHPTO - Sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 12/2020 với chủ đề “Công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp: Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước” vừa diễn ra vừa qua tại SIHUB (Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM).

Tại đây, báo cáo về xu hướng nghiên cứu, phát triển của ngành công nghệ sinh học trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, cụ thể là vấn đề xét nghiệm gen nhằm tầm soát nguy cơ, sàng lọc sớm và hỗ trợ điều trị ung thư, TS. Nguyễn Hoài Nghĩa (Viện di truyền y học - Đại học y dược TP.HCM) cho biết: chính thị trường đầy tiềm năng (xét nghiệm và sàng lọc nhóm người từ 40 tuổi trở lên) đang tạo nên cuộc đua công nghệ cực kỳ hấp dẫn trên toàn thế giới.

Vì thế, việc hợp tác quốc tế có thể sẽ là giải pháp hợp lý, tạo ra cơ hội để các chuyên gia trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hiểu nhau, làm việc cùng nhau và hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn nhân lực và tài chính dành cho những dự án như trên đang có phần hạn chế, điển hình là thiếu chuyên gia công nghệ sinh học hỗ trợ và nguồn chi cho hóa chất dùng trong nghiên cứu rất đắt (phải nhập ngoại). Vì thế, TS. Nguyễn Hoài Nghĩa đã kiến nghị Sở KH&CN TP.HCM mở rộng nguồn kinh phí tài trợ cho đầu tư dự án khoa học công nghệ. Đồng thời, cần có giải pháp tập hợp các nhà nghiên cứu tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, vì một nhóm nhỏ khó có thể đủ nhân sự để triển khai hiệu quả những đề tài mang tính mới, tính sáng tạo ở quy mô lớn.

Thực tế trong hai năm trở lại đây, Sở KH&CN TP.HCM đã liên tục tổ chức nhiều buổi kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, viện trường với viện trường và cả doanh nghiệp với viện trường nhưng không thu được kết quả.

Hiện nay, đa phần đề tài nghiên cứu chủ yếu do sự kết hợp giữa một vài nhà khoa học và sinh viên (nếu có) nên quy mô rất nhỏ, thiếu sự gắn kết cần có giữa các nhóm, xa hơn là sự gắn kết giữa các trường, viện trong khu vực và trong cả nước. “Và khi không có sự hợp tác, không có sự tin tưởng thì sẽ không bao giờ có được dự án lớn”, ông Nguyễn Việt Dũng – giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhấn mạnh.

Từ đây, ông Dũng cũng khuyến nghị các nhà khoa học cần tập trung vào những giải pháp có thể giúp được gì ngay cho bệnh viện hoặc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Những giải pháp như thế sẽ là hướng đi phù hợp với đề tài nghiên cứu ứng dụng có nguồn kinh phí không cao nhưng dễ tạo niềm tin về tiềm lực khoa học công nghệ. Và điều này đã được chứng minh qua nhiều đề tài được Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ kinh phí thực hiện suốt những năm qua.

Một hướng đi khác cũng được lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM nêu lên nhằm thúc đẩy sự hợp tác khoa học công nghệ, là liên kết với các chuyên gia hoặc viện nghiên cứu nước ngoài, nhằm mục đích triển khai ứng dụng thành quả của các dự án quốc tế nhưng có điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của TP.HCM. Hướng đi này chủ yếu dựa vào mối quan hệ của những chuyên gia đã từng học tập tại nước ngoài hoặc có kinh nghiệm hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến thảo luận, kiến nghị xoay quanh những tháo gỡ về pháp luật thử nghiệm thuốc, giấy phép lưu hành, kinh nghiệm đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực y, dược… cũng như cách để tạo nhóm nghiên cứu mạnh, chia sẻ giá trị mang lại của việc đầu tư vào KH&CN.

Sự kiện Kết nối sáng tạo là hoạt động do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức thường xuyên nhằm xây dựng không gian kết nối giữa các nhà khoa học, trường viện và doanh nghiệp với Nhà nước, nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO