Cần có lộ trình loại bỏ xe máy khỏi hệ thống giao thông TP.HCM!

Bài và ảnh Hồng Dung- Thanh Tâm| 20/04/2017 16:56

KHPTO- Đây là ý kiến của PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học bách khoa TP.HCM) tại hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM – thực trạng và giải pháp” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật phối hợp với Sở giao thông vận tải TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 20/4/2017.

Xe máy, nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông

PGS. Phạm Xuân Mai phân tích, sự phát triển xe gắn máy tại TP.HCM gần đây là rất nhanh, trung bình mỗi năm lượng xe gắn máy tăng khoảng từ 400.000 – 450.000 chiếc, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 7 - 8%. Hầu như toàn bộ người dân thành phố đã quá quen thuộc với việc sử dụng xe gắn máy như một phương tiện giao thông. Có thể nói rằng xe gắn máy và người sở hữu chúng đã và đang tạo ra một thứ “văn hóa giao thông” đặc thù của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung mà tác hại thì rất nhiều cho cộng đồng so với lợi ích cho mỗi cá nhân.

Với quỹ mặt đường hiện nay của TP.HCM khoảng 26 triệu m2, không đủ khả năng chứa để 75%-80% lượng xe gắn máy hoạt động với tốc độ cho phép, với diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12m2/xe, thành phố cần có đến 91,2 triệu m2 mặt đường, gấp 3,5 diện tích mặt đường hiện có.  Do đó, tắc nghẽn giao thông xảy ra là tất yếu vì lượng xe lưu thông trên đường rất lớn vượt quá khả năng chứa của mặt đường và thủ phạm chính là xe gắn máy. Ngoài ra, phải thấy rằng khác với ô tô con, xe gắn máy hoạt động một cách rất “cá nhân”, có nghĩa là hầu như không chịu tuân theo các luật giao thông mà hành xử như một con ngựa sắt chạy rông. Hầu như tất cả các chuyên gia về giao thông nước ngoài khi tham dự các hội thảo về giải pháp bền vững cho giao thông đô thị của TP.HCM đều nhấn mạnh: “để giải quyết vấn đề giao thông ở TP.HCM, nhất thiết phải giảm sự lưu thông của xe gắn máy”. Tuy rất tiện lợi cho từng cá nhân nhưng đối với cộng đồng, xe gắn máy đang gây ra khá nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại.

Cùng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy, nhanh chóng lấy xe buýt thay xe máy trên toàn TP, từng bước lấy mạng lưới giao thông công cộng cao tốc thay xe buýt trên một số tuyến trục theo khả năng tài chính. Không ít TP ở Trung Quốc đã cấm xe máy khi còn chưa có mạng lưới giao thông này, hay nhiều TP ở châu Âu cũng không có xe máy.

xe_may

Cần thành lập ban nghiên cứu phát triển giao thông đô thị

Theo TS Trần Du lịch, tàu điện ngầm không thể giải quyết được vấn nạn kẹt xe, là biện pháp để giảm tải xe máy. Muốn giảm tải xe máy, cần phải phát triển mạnh hệ thống xe buýt. Tuy nhiên, xe buýt không thể “sống chung” với xe máy như tình trạng hiện nay. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến thành phố sẽ trở thành thành phố văn minh hiện đại khi mà thành phố vẫn còn phát triển nhà ống và xe máy. Tuy không thể nói “cấm” xe máy là làm được ngay mà phải xem đây là vấn đề chiến lược sống còn để giải quyết giao thông đô thị này. Cần phải thành lập ban nghiên cứu phát triển giao thông đô thị, ban này phải có sự tham gia của lãnh đạo thành phố. Để cùng nhau góp ý, giải quyết, đưa ra từng lộ trình giảm xe máy. Chúng ta không nên tổ chức những hội thảo như thế này mà nói suông không làm.

ong_tran_du_lich_1

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, phát triển vận tải công cộng phải đi trước một bước rồi mới hạn chế xe cá nhân. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, họ có cả một hệ thống công cộng đầy đủ như metro, BRT, xe buýt nhưng xe máy cũng chỉ dưới 1 triệu và họ vẫn quyết tâm thực hiện từng bước. Từ hạn chế đến cấm và cuối cùng là bỏ cả những xe 2 bánh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, theo một lộ trình dài. 

 TS. Lương Hoài Nam phân tích , đối với xe máy cần có lộ trình hạn chế và tiến tới loại bỏ hoàn toàn ra khỏi giao thông đô thị. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án chi tiết và lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt. Nếu lấy xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chủ lực, thì lộ trình loại bỏ xe gắn máy tối đa là 15 năm. Cần quy hoạch phát triển mạng xe buýt của TP từ nay đến 20-30 năm tới. Một mạng lưới xe buýt hiệu quả cần cho phép người dân có khoảng cách đi bộ phổ biến giữa nhà và điểm đỗ xe buýt, giữa điểm đỗ xe buýt và nơi cần đến dưới 1km. Các trạm trung chuyển nên xây ở các vị trí cạnh bến BRT trong tương lai. Đối với TP không nên phát triển mô hình BRT cửa trái, chạy làn đường ngoài cùng như Hà Nội đã triển khai mà nên lấy làn đường trong cùng sát vỉa hè làm làn xe buýt giống như các nước ở châu Âu. Ngoài ra các doanh nghiệp xe buýt cần điều hành tốt, quản lý chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có lộ trình loại bỏ xe máy khỏi hệ thống giao thông TP.HCM!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO