Cần có giải pháp bình ổn giá tại các siêu thị, chợ đầu mối

T. AN| 06/02/2020 21:23

KHPTO - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá để bàn về tình hình giá cả dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và điều hành giá quý 1 năm 2020.

Sau khi nghe Bộ tài chính báo cáo và ý kiến thảo luận của thành viên Ban chỉ đạo, đại diện các bộ, ngành liên quan, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và 2 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm: Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam và Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá kết luận:

Trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và biến động giá bất thường, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, lưu thông thông suốt từ đó đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trước, trong và sau tết của doanh nghiệp, người dân cả nước.

Để đạt được kết quả bình ổn giá cả thị trường, đón tết vui tươi, lành mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai tốt các giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá.

Tuy nhiên, tình hình mặt bằng giá ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng khá cao ở mức 1,23% so với tháng 12/2019; tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Nguyên nhân do tết dương lịch và âm lịch năm nay diễn ra gần nhau trong cùng tháng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là do những tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt heo, trong đó riêng giá thịt heo tăng 8,29% so với tháng 12/2019 và vẫn đứng ở mức rất cao so với cùng kỳ năm 2019 đã tác động nhiều vào CPI tháng 1.

Ngoài ra, trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch nCoV) nên giá của một số mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tay... trên thị trường hiện đang có diễn biến phức tạp. Với nền CPI tháng 1 đã tăng cao và tác động diễn biến của dịch nCoV đang gây áp lực lớn lên công tác điều hành giá của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Phó Thủ tướng nhất trí với báo cáo tổng hợp và các ý kiến phát biểu đều cho rằng nếu không triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được đưa ra trong các kịch bản điều hành giá để mặt bằng giá giảm ngay trong các tháng còn lại của quý I năm 2020 theo các chỉ tiêu đề ra thì việc kiểm soát lạm phát cả năm sẽ rất khó khăn.

Trước những khó khăn thách thức trong công tác điều hành giá ngay từ tháng đầu năm 2020, Ban chỉ đạo vẫn quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo nghị quyết của Quốc hội. Để đạt mục tiêu này, Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 4/1/2020 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời cần quyết liệt triển khai ngay các nhiệm vụ sau:

Đối với mặt hàng thịt heo: kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt heo xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công khai, minh bạch chi phí, giá thành, giá bán; đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi.

Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì báo cáo đầy đủ về kết quả công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi, tình hình đảm bảo nguồn cung cho quý I, 6 tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt heo, tình hình thiệt hại và hỗ trợ kinh phí do dịch tả heo châu Phi đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi... trong đó tập trung làm rõ đối với những đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá trước ngày 6/2/2020, đồng thời gửi Bộ tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá để theo dõi, tổng hợp chung; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khẩu khoảng 100 ngàn tấn mặt hàng thịt heo thành phẩm trong quý I năm 2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau tết.

Bộ công thương chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi heo có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá kết quả thực hiện trong quý I năm 2020.

Bộ tài chính chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trong quý I năm 2020 thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo thuộc mọi thành phần kinh tế có thị phần lớn, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá; sớm phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ công thương, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn chuẩn bị nội dung để Ban chỉ đạo điều hành giá họp với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chăn nuôi lớn, các thương nhân đầu mối nhập khẩu thịt heo và các đơn vị liên quan nhằm đưa ra giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt heo trở về mức bình thường khi hết dịch và như trước khi có dịch; trình Phó Thủ tướng Chính phủ - trưởng ban chỉ đạo điều hành giá phê duyệt thời gian họp cụ thể.

Đối với mặt hàng rau củ (nhất là rau ăn lá): do ảnh hưởng của thời tiết rét, nhất là đợt mưa lớn, mưa đá ngày 30, mùng 1 tết vừa qua gây thiệt hại lớn tại một số địa phương nên giá mặt hàng này đang có xu hướng tăng cao sau tết. Giao Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ công thương theo dõi sát diễn biến giá mặt hàng này, sớm khôi phục sản xuất và có giải pháp điều hòa cung cầu nhằm bình ổn giá tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn...

Đối với mặt hàng xăng dầu: Bộ công thương chủ trì theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành giá hợp lý theo tín hiệu thị trường, kết hợp sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức độ phù hợp để bình ổn giá thị trường góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có giải pháp bình ổn giá tại các siêu thị, chợ đầu mối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO