Cần chung tay bảo vệ môi trường

TIỂU YẾN| 16/08/2019 10:20

KHPTO - Để hạn chế tối đa ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, nâng cao chất lượng sống vùng nông thôn, TP.HCM triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi, cùng với đó tuyên truyền quy định về bảo vệ môi trường chăn nuôi, góp phần nâng cao ý thức, thúc đẩy nông dân hành động để làm sạch môi trường.

Chị Ngô Thị Vệ, ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, cách đây 8 năm, trại nuôi heo quy mô 60 con của chị bị phản ánh gây ô nhiễm. Để có thể chăn nuôi heo trong khu dân cư, chị Vệ làm theo hướng dẫn của khuyến nông xây dựng hầm biogas, hầm lắng, lọc, khử mùi hôi bằng vôi quanh khu vực chăn nuôi. Đồng thời, lắp bình lọc từ hầm biogas đến bếp để xử lý mùi hôi. Số tiền xây hầm được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng không lãi suất, chị đối ứng thêm một ít để hoàn thiện công trình. Theo chị Vệ, sử dụng công trình biogas, có thể tận dụng khí làm chất đốt, heo lại sạch bệnh mà khu chăn nuôi không gây mùi hôi.

Không riêng hộ chị Vệ mà hầu hết hộ chăn nuôi heo ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi đều xây dựng hầm biogas hoặc đệm lót để đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi theo chủ trương của thành phố.

Tình trạng ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi được khắc phục một phần nhờ thành phố thường xuyên vận động tuyên truyền các quy định về môi trường chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí 50 - 50, cho vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học. Cùng với đó, các địa phương thi đua triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường để hoàn thành tiêu chí số 17 (về môi trường) để về đích nông thôn mới.

Theo đó, từ năm 2008, TP.HCM đã triển khai chương trình vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó, cho hộ chăn nuôi vay 100% giá trị công trình hầm biogas. Tiếp đến, triển khai Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

Đến năm 2018, thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND cho vay không lãi suất tối đa 12 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình xử lý chất thải chăn nuôi giai đoạn 2018 - 2020.

Từ năm 2015 đến nay, Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM cũng triển khai 10 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tại các huyện ngoại thành.

TP.HCM còn triển khai dự án Lifsap “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm”, trong đó, hỗ trợ nông dân tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển đàn heo theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Từ việc triển khai nhiều chương trình bảo vệ môi trường, đã mang lại hiệu quả trực tiếp cho hộ chăn nuôi, nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng ngoại thành. Kết quả thấy rõ nhất là đến nay TP.HCM chỉ còn khoảng 2.700 công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi cần xây mới và trên 900 công trình cần được hỗ trợ sửa chữa cải tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chung tay bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO