Cần biết về ung thư tuyến tiền liệt

PGS.TS.BS. NGUYỄN TUẤN VINH| 08/10/2019 07:29

KHPTO - Những vấn đề về dấu hiệu cảnh báo, cách thức điều trị và phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt luôn là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe và để “biết sớm trị lành”.

Ung thư là tình trạng một nhóm tế bào sinh sản không kiểm soát gây ảnh hưởng đến hoạt động các tế bào chung quanh và lan tràn ra các cơ quan khác trong cơ thể (hiện tượng di căn).

Có những dạng ung thư diễn tiến thất thường

Khi mắc ung thư tuyến tiền liệt thì còn sống được bao lâu cũng là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thật ra ung thư tuyến tiền liệt đa số là tiến triển chậm và người bệnh có thể sống nhiều năm nhưng vì bệnh này có nhiều dạng diễn tiến thất thường nên muốn biết khả năng tiến triển của ung thư phải dựa vào nhiều yếu tố như: giai đoạn tiến triển của bệnh, loại tế bào ung thư ác tính nhiều hay ít.

Một số dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng và đa số các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác. Tuy nhiên, ta có thể ghi nhận một số dấu hiệu như tiểu khó, tiểu lắt nhắt; nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít, mắt thường khó phát hiện được mà phải nhờ đến xét nghiệm (tiểu máu vi thể); tuyến tiền liệt to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng - để biết cần phải cho tay vào hậu môn khám.

Khi bệnh tiến triển nặng có thể gặp các triệu chứng như rối loạn cương (bệnh nhân có thể không cương được hay không giữ được tình trạng cương đủ lâu); phù hai bàn chân; tiểu không tự chủ hay bí tiểu; đau nhức xương hay có thể bị gãy xương khi gặp một chấn thương nhẹ.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Đây là một câu hỏi được nhiều bệnh nhân và gia đình nêu ra với bác sĩ. Dưới đây là các phương pháp điều trị đang được áp dụng, nhưng không nhất thiết mọi bệnh nhân đều áp dụng tất cả các phương pháp điều trị này. Nhằm cá nhân hóa điều trị để nâng cao hiệu quả điều trị, tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị cụ thể.

Phẫu thuật: bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi ung thư khu trú trong tuyến tiền liệt là chủ yếu.

Điều trị nội tiết: ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam nên nếu bằng cách nào cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển. Khoa học đã ứng dụng đặc tính này trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hay dùng các loại thuốc có tác dụng ức chế, làm giảm nồng độ nội tiết tố nam ngang bằng với phương pháp cắt hai tinh hoàn nhằm cắt nguồn cung cấp nội tiết tố nam.

Xạ trị: chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Có thể chiếu xạ từ ngoài vào gọi là xạ trị ngoài, hoặc cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt gọi là xạ trị trong.

Hóa trị: không bao giờ là phương pháp điều trị tận gốc đối với ung thư tuyến tiền liệt. Hóa trị chủ yếu là điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết mà trong y khoa gọi là giai đoạn kháng cắt tinh hoàn. Hiện nay, đối với ung thư có độ ác tính cao, các nghiên cứu cho phép điều trị nội tiết phối hợp với hóa trị sớm cho kết quả tốt hơn.

Các phương pháp mới khác: miễn dịch, đồng vị phóng xạ, các loại thuốc mới cũng được nghiên cứu và ứng dụng điều trị ung thư tuyến tiền liệt, mang lại kết quả tốt hơn, kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần biết về ung thư tuyến tiền liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO