Cảm nhận về lòng từ bi

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức| 16/11/2017 10:41

Cách đây nhiều năm, tôi có hướng dẫn một sinh viên dược khoa làm đề tài nghiên cứu tốt nghiệp đại học. Khổ nỗi đề tài này liên quan đến súc vật là chuột lang (cobaye). Để khảo sát sự biến đổi của niêm mạc dạ dày của chuột dưới tác động của một loại thuốc, chuột phải bị giết đi bằng cách bẻ cổ đúng phương cách để chết tức khắc, sau đó mổ bụng lấy dạ dày quan sát.


Tôi đã nói với em: “Em nên biết, không chỉ thử nghiệm lâm sàng, tức thử thuốc trên người là phải tuyệt đối theo đúng các tiêu chuẩn y đức mà thử nghiệm trên súc vật, chúng ta cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức thử trên súc vật mà thế giới đề ra. Nếu em làm đúng theo quy trình thử nghiệm đã thiết kế, đặc biệt không làm điều gì gọi là ngược đãi hành hạ thú vật trước khi giết chúng là được rồi. Hơn nữa chúng bị hy sinh là vì khoa học, việc ta làm là cần thiết và bất đắc dĩ. Ta làm vì lòng từ bi cho con người”.
Chính mấy chữ “hy sinh vì khoa học, từ bi cho con người” làm em sinh viên nguôi ngoai, vững tinh thần, tiến hành làm đề tài nghiên cứu rất tốt.
Từ bi không có nghĩa đơn giản là “xót thương” con người khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại “từ bi” là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng vào hành động từ nhỏ nhặt đến lớn lao, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.
Người biết triết lý Phật giáo thường nói về Bồ Tát. Bồ Tát là tên gọi những người có sự giác ngộ về nỗi khổ của tất cả chúng sinh, thông cảm với nỗi khổ, và phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi tất cả những nỗi khổ. Trong dân gian, Bồ Tát được dùng để chỉ những người có tấm lòng từ bi, độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời và cứu giúp mọi người trong cơn khổ nạn. Tôi biết có nhiều người thường xem người thầy thuốc có tấm lòng yêu thương người bệnh hết mực, có tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp cao nhất, có sự tận tụy chăm sóc phục vụ người bệnh hết lòng thì không khác vị Bồ Tát.
Lòng từ bi không phải chỉ để ứng dụng đối với người khác mà còn bao gồm luôn cả chính bản thân mình nữa. Vì sao ta không thực hành hạnh Từ Bi với chính mình là không để cho những thị phi, đàm tiếu khiến làm cho mình bị đau, bị khổ, giúp cho mình giảm bớt tâm tham, sân, si? 
BS. Đỗ Hồng Ngọc quả là có lý khi ông viết: “Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai, nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ. Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú khi biết rằng ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại. Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả. Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút”. Rõ ràng theo bác sĩ, hãy từ bi với chính mình là biết sống với hiện tại.
Nhà hiền triết Krisnamurti cho rằng: “Hãy chết đi từng ngày, chết đi từng giây phút với tất cả mọi thứ, với tất cả những ngày hôm qua và với cái chốc lát mới vừa thoáng trôi qua của cuộc đời chúng ta”. Từ bi cho mình là phải biết “chết” với từng giây phút trong tâm tưởng vì chính sự “chết” này dẫn đến sự bất tử của cái mới cứ đến liên tục trong cuộc đời chúng ta.
“Từ bi” với chính mình là không để cho những thị phi, đàm tiếu thuộc về quá khứ khiến làm cho mình phải đau, phải khổ, khiến cho tâm tham, sân, si được phen mở rộng. Vì vậy, ta hãy sống thong dong với hiện tiền và không bị ảnh hưởng do sân hận, bực bội và lo lắng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm nhận về lòng từ bi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO