Nhớ những mùa hạn mặn

Trúc Giang| 26/03/2023 10:09

Thấm thoát, tôi đã có hơn 30 năm thoát khỏi cảnh “sống chung với nước mặn” vào mùa khô, khi tôi rời quê hương Bến Tre để đến sống ở một tỉnh miền Ðông Nam bộ. Ký ức về những ngày nước mặn ấy đến giờ vẫn còn in đậm; trong những mùa khô gần đây, khi quê tôi và nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu cơn khát bậc nhất trong cả trăm năm qua, mọi thứ lại ùa về…

Thấm thoát, tôi đã có hơn 30 năm thoát khỏi cảnh “sống chung với nước mặn” vào mùa khô, khi tôi rời quê hương Bến Tre để đến sống ở một tỉnh miền Ðông Nam bộ. Ký ức về những ngày nước mặn ấy đến giờ vẫn còn in đậm; trong những mùa khô gần đây, khi quê tôi và nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đang chịu cơn khát bậc nhất trong cả trăm năm qua, mọi thứ lại ùa về…

Trữ nước mưa để đón mùa hạn mặn

Quê tôi nằm ở miệt biển của cù lao An Hóa, nói vậy để phân biệt với “miệt trên” có nước ngọt quanh năm, trồng được nhiều loại cây ăn trái. Nơi đây thường bị nhiễm mặn trong mùa khô, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Ngày đó, ba mẹ tôi thường đối phó bằng việc trữ nước mưa trong các lu sành, lu xi măng (người quê tôi hay gọi là các “mái vú”). Các lu đều có nắp đậy bằng gỗ hoặc bằng lá chằm, đặt trước hàng hiên hoặc quanh chái bếp. Ði ngoài đồng vô, lấy cái gáo dừa có tra cán múc gáo nước mưa ực một hơi thật là sảng khoái… Ðến nhà ai, nhìn hàng mái vú lớn và nhiều thì biết nhà đó khá và có cuộc sống thoải mái trong mùa mưa. Còn nhà nào lưa thưa vài cái lu, cái khạp thì biết cuộc sống túng bấn, chật vật cả ăn lẫn uống…

Nước mưa chỉ được dùng để uống và nấu ăn. Tắm giặt thì dùng nguồn nước khác. Có những con nước lớn, nước từ nơi có mưa đổ về làm nước bớt mặn đi và trở thành nước lợ hoặc “nước cứng” thì nhà tôi hay xách trữ vào các lu khạp đã xài hết nước mưa. Nước đó được lắng lại, rồi được đánh bằng phèn chua để cho trong hơn, dùng vào việc giặt giũ và tắm xả. Ngày đó, đám con nít và đàn ông thường nhảy ùm xuống sông, xuống kinh tắm cho đã, nhưng lên bờ thì người rít rịt, nên phải xả lại bằng nước lợ đó chứ nếu không thì rất khó chịu. Chỉ có phụ nữ mới được ưu tiên tắm “nước cứng”!

Ngày đó, người dân các vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cha mẹ người viết, thường đối phó bằng việc trữ nước mưa trong các lu sành, lu xi măng (người quê hay gọi là các “mái vú”).

Nhưng có khi trong cả nhiều tháng không có cơn mưa nào. Nước lợ không về, người ta phải đi “xin nước” ở các giếng nước ngọt. Bấy giờ, nhà ai có cái giếng nước thì coi như là một tụ điểm vui nhộn, bởi sáng sớm và chiều tối luôn tấp nập các chị, các dì đến gánh nước. Người ta dùng gàu bằng thùng thiếc, thùng nhựa nhỏ (loại 5 lít) hoặc gàu tre để xách nước đổ vào đôi thùng thiếc loại 20 lít. Có khi, giếng cạn nước, nhiều người phải dậy từ gà gáy xách theo cái đèn chai, đèn bong bóng để đi lấy nước. Có lúc giếng cạn khô, cánh đàn ông phải hú nhau đi đào giếng, khơi giếng…

Chỉ những nhà khá giả mới “đổi nước”, mua nước từ các xe bò, xe máy cày chở nước trong các thùng tẹc lớn đi bán dạo. Gặp lúc các giếng trong ít nước, người ta phải lấy nước từ các giếng đục (nước bị nhiễm phèn hoặc lờ lợ) về lóng lại xài đỡ. Ba tôi thường phải lấy nước ở các giếng này, đổ đầy xuồng rồi chở về nhà, sang vào các lu khạp…

Mùa nắng, gió nam khan thổi khô cả những cánh đồng

Ở các ruộng gò - ruộng gần kênh, được phù sa bồi nhiều trở nên khô và gò hơn - xuất hiện đầy các vết nứt như những dấu chân chim khổng lồ. Cua cá không còn sống được mấy, phải “di cư” đến các ruộng trũng hơn. Chỉ còn đám còng lửa, ba khía đào hang cặp bờ ruộng. Dưới các ruộng còn nước, người ta thả vịt, bắt cá, cùng nhau quần “lên sịnh” - từ mà chúng tôi hay gọi khi sình, bùn non bị đảo nhiều lần với một lượng nước không nhiều lắm thành một thứ hỗn hợp sền sệt, cá lóc, cá rô… không thở được phải ngoi lên…

Dưới kinh, có nhiều bữa nước ươn – nước lớn nhưng chưa đến hai phần ba kinh thì đứng lại, lững lờ, trong xanh, rồi bắt đầu ròng, có khi sát đáy. Chỉ dịp rằm, mùng một thì nước mới đầy hơn, nhưng cũng cái màu xanh quen thuộc đó, thiếu hẳn phù sa, thiếu hẳn sức sống… Cá tôm dạo này ít hẳn. Ít người chài lưới, người câu cua, rập cua thì nhiều hơn. Ðêm, nước cạn thì có nhiều người đi “mò”, là những người đi bắt cá tôm bằng tay không bằng cách mò dưới dòng kinh hay mé kinh…

Những ngày nước cạn, anh em chúng tôi cũng hay lùa vịt xuống các bãi bồi ven kinh hoặc xuống cả lòng kinh tìm thức ăn. Chúng tôi cũng thích đi bắt cá bống sao, cá kèo sông, cá bống xệ… và cả hến ở các bãi bồi đầy phù sa dọc các con kinh mà mùa nước lớn rất khó bắt.

Nước mặn, dừa trái teo tóp, rụng nhiều. Nhưng dừa nước thì vẫn xanh tốt. Nhiều người tranh thủ mùa khô đi đốn lá dừa nước để bán cho người ta lợp nhà, hoặc rọc lá để chằm dùng che chuồng vịt… Cũng có người đốn những buồng dừa nước đem ra chợ bán cho những người trên tỉnh về, chứ dân quê chẳng mấy ai mua thứ trái này…

Có những đêm cuối tháng hoặc đầu tháng, tôi bơi xuồng trong đêm, nhìn mỗi nhịp dầm lại thấy nhiều ánh sao lấp lánh. Có lẽ nước mặn quá và trong nên in cả hình những ngôi sao trên trời thành thứ ánh sáng le lói soi đường cho những người phải mưu sinh trong đêm ở một vùng quê nghèo nhưng yên ả…

“Miệt trên” bây giờ cũng mặn

Mấy mươi năm đi xa, quê tôi giờ đã đổi khác rất nhiều. Nhưng lâu lâu, lại xuất hiện những cơn hạn mặn kéo dài. Cống đập Ba Lai từng được kỳ vọng biến một khu vực thành hồ chứa nước ngọt lắm lúc bị nhiễm mặn. “Miệt trên” bây giờ cũng mặn, cây trái cũng không còn nhiều. Không còn những ruộng lúa nhưng có khi tôm nuôi chậm lớn hoặc bị “chạy” do nước nhiễm mặn; người nuôi nghêu, sò… bị mất trắng do độ muối quá cao… Và dĩ nhiên, cơn thiếu nước ngọt sinh hoạt lại diễn ra, kể cả nước máy kéo đến tận nhà còn tệ hơn “nước cứng”.

Các giếng đào thuở nào giờ hoàn toàn khô cạn, người ta thi nhau khoan giếng hàng chục thước, nhưng người tìm được mạch nước ngọt, người không… Xe “đổi nước” giờ lại chạy dập dìu, dù nhiều nhà đã có nước máy, bởi nước “phông tên” lắm khi cũng bị “cứng”, tắm giặt bằng xà bông, dầu gội không còn thấy bọt… Người ta đổi nước hy vọng có được chút nước ngọt hơn để nấu ăn, pha trà…

Bây giờ, có lẽ cần có giải pháp “sống chung với hạn mặn” khi mà biến đổi khí hậu đã hiển hiện mà dòng Cửu Long thì bị chặn liên tục trên thượng nguồn.

Ngày trước, có người nói phải “sống chung với lũ” ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long khi hằng năm lũ tràn về ngập cả đường sá, nhà cửa. Nhờ quan điểm mới đó, nhiều người đã “sống được” với cơn lũ và buồn so khi lũ không về. Bây giờ, có lẽ cần có giải pháp “sống chung với hạn mặn” khi mà biến đổi khí hậu đã hiển hiện mà dòng Cửu Long bị chặn liên tục trên thượng nguồn. Giọt nước quê tôi giờ mặn đắng, còn ánh sao đêm dưới kinh chắc chẳng còn lấp lánh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những mùa hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO