Cách theo dõi bệnh đái tháo đường

08/01/2007 00:07

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, nghĩa là kể từ khi phát hiện mình bị bệnh đái tháo đường, bạn phải theo dõi bệnh suốt đời, một mặt phải biết cách tự theo dõi, mặt khác bạn phải tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ.

Làm gì để tự theo dõi bệnh?

- Mỗi tuần, nên cân một lần vào lúc sáng sớm, sau khi đi vệ sinh và chưa ăn sáng. Điều này giúp biết được mình thừa cân hay thiếu cân so với cân nặng mà bác sĩ khuyên bạn nên có. Nếu thiếu cân, có thể bạn đã ăn chưa phù hợp với mức độ vận động. Nếu thừa cân, có lẽ bạn vẫn còn ăn nhiều hơn mức cần thiết hoặc chưa vận động nhiều.

- Nếu có máy đo, bạn có thể tự theo dõi đường huyết tại nhà.

Đo đường huyết khi đói và đường huyết hai giờ sau ăn sẽ giúp đánh giá được bữa ăn của mình có phù hợp chưa, cũng như phát hiện tình trạng hạ đường huyết giữa các bữa ăn và tăng đường huyết sau ăn. Những người khỏe mạnh ít bị cơn hạ đường huyết, đường huyết lúc đói nên nằm trong khoảng 80 - 110 mg/dl, đường huyết sau ăn hai giờ dưới 145 mg/dl. Tuy nhiên, mức tốt nhất của đường huyết đói và đường huyết hai giờ sau ăn thay đổi rất nhiều tùy theo tuổi và tình trạng sức khỏe. Nếu đường huyết đói dưới 70 mg/dl, nên xem lại có phải mình đã ăn quá ít, vận động nhiều hơn hay có dùng thuốc hạ đường huyết mà quên ăn không? Nếu đường huyết sau ăn hai giờ trên 145 mg/dl, có lẽ bữa ăn của bạn chứa nhiều chất bột đường. Khi đó, bạn nên chia nhỏ bữa ăn hay chọn loại thực phẩm khác ít gây tăng đường hơn.

- Thử đường huyết mỗi ngày?

Thông thường, nếu đường huyết được kiểm soát tốt, chế độ ăn và thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không thay đổi, bạn có thể thử đường huyết 1 lần trong ngày, ở những thời điểm khác nhau như trước bữa ăn sáng và trước bữa ăn tối. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng bệnh, bạn cũng có thể thử thêm sau những bữa ăn thịnh soạn, sau khi ăn những thức ăn khác với thường lệ, trước và sau những buổi tập luyện thể lực và nhất là những lúc đang có bệnh, bạn cũng nên thử lại đường huyết. Nên ghi lại các kết quả thử. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá toàn diện hơn mức độ kiểm soát đường huyết của bạn.

- Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Nên giữ huyết áp dưới 130/80 mmHg. Mỗi ngày nên kiểm tra bàn chân, tìm xem có những chỗ đỏ, ấn đau, nốt chai, bóng nước, vết lỡ loét hay không.

- Mỗi ba đến sáu tháng, làm các xét nghiệm HbA1c, mỡ máu, creatinin, tìm đạm trong nước tiểu. HbA1c là chỉ số đường trung bình trong máu ba tháng, giúp bác sĩ biết được trong thời gian ba tháng trước khi bạn đến khám, đường trong máu của bạn có thực sự ổn định không. Chỉ số này cũng giúp dự báo khả năng xảy ra các biến chứng. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi HbA1c dưới 6,5%, các biến chứng ít xảy ra hơn. Cứ giảm HbA1c được 1% thì các biến chứng bệnh đái tháo đường sẽ giảm được 37%. Tăng các loại mỡ xấu như triglycerid hay LDL-cholesterol cũng góp phần làm các biến chứng thận và tim mạch dễ xảy ra hơn. Sự cải thiện các chỉ số mỡ máu là một điều bắt buộc trong phòng ngừa biến chứng. Triglycerid nên thấp hơn 150 mg/dl và LDL-cholesterol dưới 100 mg/dl.

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận, cần được truy tìm lượng đạm trong nước tiểu mỗi sáu tháng. Đây là dự báo sớm nhất về biến chứng thận do đái tháo đường, lấy nước tiểu buổi sáng sớm khi vừa mới thức dậy, chưa ăn và chưa vận động. Nếu có vấn đề như lượng microalbumin cao hơn 30 mg/lít, bạn cần được kiểm soát đường huyết, huyết áp và các chỉ số mỡ máu chặt chẽ hơn. Đo creatinin trong máu cũng giúp đánh giá chức năng thận.

Biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù đột ngột. Nếu bạn bị đái tháo đường týp 1, sau 5 năm phát hiện bệnh, bạn nên đi khám mắt. Nếu là đái tháo đường týp 2, bạn nên đi khám mắt ngay khi phát hiện. Nếu kết quả khám mắt bình thường, bạn cũng nên giữ thói quen đi khám mắt ít nhất mỗi năm một lần. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách theo dõi bệnh đái tháo đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO