Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhu cầu nhân lực chất lượng cao

Anh Thư| 23/11/2018 19:20

KHPTO - Hôm nay (23/11), Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học quốc gia Hà Nội, Trường đại học kinh tế TP.HCM phối hợp tổ chứchội thảo khoa học quốc gia: “Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục đại học Việt Nam”.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã “ào tới”

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà, Trường đại học kinh tế quốc dân, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc,  Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, TS. Bùi Trung Hải, Trường đại học kinh tế quốc dân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã “ào tới” và ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó điển hình nó đang có những tác động rất mạnh tới phát triển của Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Cùng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, nhiều ngành nghề mới xuất hiện trong khi một số ngành khác lại mất đi, tương ứng là sự thay đổi của cơ cấu nhu cầu nhân lực. Bên cạnh đó, rất nhiều kỹ năng trong từng ngành nghề có sự chuyển đổi. Thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào về số lượng song nhiều hạn chế về chất lượng, đặc biệt là nhóm nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu về nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ hệ thống giáo dục đại học. Đổi mới sáng tạo đã trở thành một tiêu chuẩn đầu ra đối với các chương trình đào tạo đại học. Bên cạnh đó, những thay đổi về nội dung, phương pháp đào tạo, cấu trúc chương trình và phương thức quản lý giáo dục đại học trở nên cấp thiết trong bối cảnh mới.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà nhận định, trong bối cảnh có CMCN 4.0, nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện thay thế cho một số loại việc làm khác mất đi do không còn phù hợp. Nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển lúc này đang đứng trước những nhu cầu mới về chất lượng ở cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Trong bối cảnh đó, giáo dục đại học Việt Nam giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ở bình diện quốc tế, giáo dục đại học Việt Nam chưa được biết tới nhiều, chưa được xếp thứ hạng cao. Ở trong nước, nhu cầu được tự chủ đại học ngày càng cao; bài toán nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu đang cần lời giải; khu vực tư nhân với tiềm lực tài chính hùng mạnh đang tham gia ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc vào lĩnh vực đào tạo, đang dần trở nên đại chúng hơn bao giờ hết; các đại học nước ngoài với danh tiếng và uy tín cao hơn đang tích cực tham gia vào việc vẽ lại bản đồ mạng lưới đại học Việt Nam.

Nhóm tác giả PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt, PGS.TS. Trần Thị Hải Lý, ThS. Lương Thị Thảo, Trường đại học kinh tế TP.HCM cho biết, điểm nổi bật nhất về nguồn vốn con người tại Việt Nam là sự dồi dào và tiềm năng của lực lượng lao động, nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nhìn chung còn kém, nên đã trở thành rào cản đối với việc cải thiện năng suất lao động và chưa đóng góp tương xứng vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này chính là hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam chưa có sự kết nối và đáp ứng tốt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên thị trường.

Hàng năm các doanh nghiệp phải dành ngân sách đáng kể cho việc tái đào tạo lao động để đảm bảo kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp, điều này khó tránh khỏi làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc các tổ chức, cơ sở đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các trường đại học mặc dù số lượng nhiều nhưng chưa phát huy được vai trò chủ chốt do những hạn chế về đội ngũ giảng viên, sự thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo với nhu cầu về kỹ năng của lao động tại doanh nghiệp, cũng được xem là nguyên nhân khiến Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nhiều sinh viên ra trường lại thất nghiệp. Chính vì lẽ đó, cải thiện năng suất lao động chậm và tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu nhờ thâm dụng vốn vật chất và lao động rẻ. Muốn hướng đến phát triển bền vững hơn, Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ để tận dụng tốt sự dồi dào và tiềm năng của nguồn nhân lực đang sẵn có.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học

Theo GS.TS. Nguyễn Đình Đức, Đại học quốc gia Hà Nội, đổi mới chiến lược giáo dục đại học với những nội hàm cụ thể như đổi mới triết lý trong đào tạo, đổi mới và cơ cấu lại chương trình, đổi mới chuẩn đầu ra, đầu tư và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút - trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài, phát triển các trung tâm xuất sắc, các hướng nghiên cứu trọng điểm để nắm được các công nghệ lõi và tận dụng cơ hội các hình thức tổ chức quản lý và kinh doanh mới, chia sẻ nguồn lực toàn cầu, đổi mới phương pháo dạy và học; cũng như gắn đào tạo với nghiên cứu, với các tiêu chí và chuẩn mực, trình độ quốc tế; thực hiện tự chủ đại học, tìm ra “cơ chế khoán 10” trong giáo dục đại học và quản lý KHCN, đó là những giải pháp để giáo dục đại học Việt Nam bứt phá đi lên theo kịp giáo dục đại học thế giới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

GS.TS. Nguyễn Đình Đức khẳng định, phải xây dựng một triết lý mới về giáo dục đại học.Nhu cầu đổi mới giáo dục xuất phát từ yếu tố thời đại. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng đến với mọi người, mọi cá nhân - tổ chức ở mọi nơi, mọi chỗ. Và với các đặc trưng và xu thế phát triển như vậy, mô hình đại học đã thay đổi. Hiện nay, các đại học nghiên cứu của các nước phát triển trên thế giới đang chuyển mình sang các đại học đổi mới sáng tạo, gắn kết và chuyển đổi mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu với các công nghệ kỹ thuật mới và doanh nghiệp. Vì vậy, triết lý đào tạo phải thay đổi. Triết lý của đào tạo nhân lực trong thời đại cách mạng 4.0 là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Với tham luận “Giáo dục đại học Việt Nam, chuẩn bị cho sinh viên thích nghi trong thế giới đang thay đổi”, nhóm tác giả PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ, Đại học quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ giáo dục đại học (Bộ giáo dục và đào tạo), TS. Lý Bình Nhung, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, TS. Nguyễn Thị Hảo, Trường đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, nền công nghiệp 4.0 tạo ra nền giáo dục 4.0.

Trong nền công nghiệp 4.0 các chuyên gia dự đoán mỗi cá nhân sẽ có từ 10 - 15 công việc khác nhau trong cuộc đời làm việc của mình với tính chất công việc yêu cầu người lao động phải đồng thời am hiểu được nhiều lĩnh vực khác nhau trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, người lao động tham gia vào mô hình việc làm mang tính tương tác, sáng tạo, không theo thói quen và mang tính công nghệ. Vì thế cách tiếp cận truyền thống trong chương trình đào tạo sẽ không còn phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện tại và tương lai.

Tiếp cận xuyên ngành cho chương trình giáo dục đại học chính là sự chuẩn bị chu đáo của trường đại học dành cho sinh viên. Sự chuẩn bị này sẽ giúp cho sinh viên có được năng lực thích ứng, sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh nghề nghiệp luôn thay đổi của nền công nghiệp 4.0.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhu cầu nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO