Cách chọn mua màn hình LCD

02/07/2006 22:21

Hiện nay, màn hình tinh thể lỏng (LCD- Liquid Crystal Display) không còn là thiết bị xa xỉ đối với đa số người dùng. Sự đa dạng về kiểu dáng cũng như chất lượng của thị trường LCD hiện nay đã khiến người tiêu dùng bối rối khi lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp. Sau đây là một số gợi ý:

Điểm chết (Dead pixel)


Điểm chết là điểm ảnh không còn khả năng hiển thị các màu đa sắc. Đó là những điểm không cùng màu với những điểm xung quanh nó, thường thấy dưới dạng là một chấm đen hoặc một điểm sáng chói trên màn hình. Tuy nhiên, các nhà sản xuất màn hình LCD lại từ chối bảo hành nếu số điểm chết chưa đến 5, mặc dù còn trong thời hạn bảo hành.

Chính vì những lý do trên mà điểm chết luôn là tiêu chí đầu tiên khi kiểm tra LCD. Để dễ nhận biết điểm chết, bạn thiết lập màu đơn sắc cho màn hình nền rồi quan sát thật kỹ bằng mắt xem có điểm sáng nào có màu sắc khác thường so với màu nền. Cụ thể:

Đối với máy tính (dùng hệ điều hành Windows XP):

1. Bấm chuột phải lên vùng trống trên màn hình desktop, di chuyển con trỏ chuột đến hàng chữ Arrange Icon By, bỏ dấu chọn Ô (nếu thấy) để giấu tất cả các Icon đang có trên desktop.

2. Bấm chuột phải lên vùng trống trên desktop, chọn Properties. Ở cửa sổ hiện ra, bấm thẻ Desktop, bấm chọn None trong khung Background, bấm ô Color chọn màu đen (nếu không tìm thấy màu đen, bấm nút Other để chọn), bấm OK. Sau đó quan sát xem có điểm sáng nào không.

3. Thực hiện lại thao tác ở bước 2 nhưng chọn màu trắng thay cho màu đen. Sau đó quan sát xem có điểm tối (đen) nào không.

Đối với tivi: kết nối LCD với đầu băng video, đầu đĩa rồi phát hình ảnh đơn sắc. Dừng (pause) băng (đĩa) và quan sát tìm điểm chết trên LCD. Hoặc kết nối được với máy tính thì sử dụng cách nhận biết đã nói trên.

Cổng giao tiếp


Nếu LCD chỉ dùng cho máy tính, có thể bạn không cần quan tâm đến các cổng giao tiếp (đầu cắm) mà LCD có hỗ trợ. Nếu sử dụng nó cho một số thiết bị khác thì cần lưu ý số cổng giao tiếp của LCD.

Thông thường, tất cả các LCD đều có đầu cắm D-SUB (thường thấy ở các màn hình bình thường - CRT); trên các tờ rơi giới thiệu sản phẩm, cổng này được ghi là ngõ cắm analog. Đầu cắm này cắm vào ngõ cắm D-SUB tương ứng của card màn hình máy tính, hoặc cắm vào một số đầu đĩa có ngõ cắm này.

Ngoài đầu cắm D-SUB, các LCD còn có đầu cắm DVI (ngõ cắm digital), tín hiệu truyền qua cổng này cho hình ảnh sắc nét hơn. Tuy nhiên, để dùng được cổng DVI, đòi hỏi card màn hình của bạn phải có cổng này. Nhưng trở ngại cho người dùng là loại LCD và card màn hình có hỗ trợ cổng DVI có giá cao hơn so với loại không có hỗ trợ.

Ngoài ra, một số LCD hoặc tivi màn hình LCD còn có cổng S-video dùng để kết nối với máy ảnh kỹ thuật số, đầu đĩa DVD,...

Độ phân giải (Resolution)


Độ phân giải tối đa của mỗi LCD phụ thuộc vào kích cỡ màn hình, loại 17 inch có độ phân giải tối đa lớn hơn loại 15 inch. Độ phân giải cao sẽ làm cho hình ảnh mịn và sắc nét hơn. Do vậy, chọn độ phân giải gắn liền với việc chọn kích cỡ của màn hình và ngược lại. Hiện nay, loại LCD 17 inch được nhiều người chọn dùng.

Thời gian đáp ứng (Response time)


Đây là khoảng thời gian thay đổi màu của một điểm ảnh khi chuyển cảnh, hay là thời gian trễ giữa các cảnh trên màn hình; nó được tính bằng mili giây (ms), thời gian đáp ứng càng thấp thì hình ảnh ít bị nhòa (còn gọi là hiện tượng bóng ma). Nó thể hiện rõ khi màn hình hiện liên tục các hình ảnh có tính chuyển động. Hiện nay, các LCD mới đều có thời gian đáp ứng rất thấp (từ 16 ms trở xuống). Tuy nhiên, bạn có thể chọn các loại có thời gian đáp ứng từ 24 ms trở xuống là được. Đối với màn hình dùng cho công tác văn phòng, không cần thiết phải chọn loại có thời gian đáp ứng thấp. Nhưng nếu dùng để chơi game, xem phim thì lại vần thiết.

Góc nhìn (Viewing angle)


Ai cũng thấy được ưu điểm (kích thước nhỏ gọn, điện năng tiêu thụ ít...) của màn hình LCD so với màn hình CRT. Bên cạnh đó, yếu điểm của LCD là góc nhìn của nó không rộng bằng góc nhìn của CRT. Bạn có thể nhìn CRT từ mọi góc của mặt trước, nhưng đối với LCD thì góc nhìn bị giới hạn, màu sắc trên hình ảnh sẽ bị thay đổi khi nhìn từ lệch, ngoài vùng giới hạn. Do vậy, tiêu chí cho góc nhìn ngang/dọc phải đảm bảo từ 120/120 trở lên.

Tỉ lệ tương phản (Contrast ration)


Đây là tỉ lệ giữa độ sáng trắng cao nhất và đen thấp nhất của màn hình. Thành phần này cũng ảnh hưởng đến độ sắc nét của hình ảnh. Hiện nay, các LCD mới có tỉ lệ tương phản rất cao (từ 500:1 trở lên). Tuy nhiên, bạn có thể chọn các LCD có tỉ lệ tương phản từ 300:1 trở lên.

Các lưu ý khác


Ngoài những tiêu chí trên, hiện nay, các LCD mới thường sử dụng các công nghệ mới (tùy từng nhà sản xuất), đây cũng là điều cần cân nhắc khi chọn loại dùng công nghệ cũ. Một số LCD còn tích hợp thêm loa. Điều lưu ý cuối cùng là mỗi LCD của từng nhà sản xuất có một thời gian sử dụng khác nhau (khoảng vài chục ngàn giờ). Do vậy, bạn phải hỏi rõ nơi bán về thời gian sử dụng của loại LCD định chọn.

Nếu kinh tế eo hẹp, bạn có thể chọn loại LCD đã qua sử dụng, loại này có giá rẻ hơn rất nhiều so với loại mới (từ 150 USD trở lên). Tuy nhiên, nếu muốn mua loại này, bạn phải kiểm tra thật kỹ và hỏi rõ chế độ bảo hành, bởi các hư hỏng ở LCD rất khó sửa, đôi khi không sửa được. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách chọn mua màn hình LCD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO