Cách chọn giống và chăm sóc tôm thẻ

VỸ PHƯỢNG| 10/07/2019 08:27

KHPTO - Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao 2 giai đoạn, ngoài việc xử lý ao nuôi và nguồn nước nuôi, công đoạn chọn giống, ươm giống cũng như chăm sóc cho tôm lớn và khỏe mạnh rất quan trọng, quyết định quá trình nuôi thành công.

Lưu ý khi chọn giống và tiến hành ươm

Chọn tôm giống thả nuôi có chiều dài trên 0,8 cm (PL 10 - 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn dưới 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng... Sau khi đã chọn được tôm giống, tiến hành ươm với mật độ ươm phổ biến 100 - 150 con/m2. Trong khi ươm cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ươm (oxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn...) hàng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Lưu ý là cần định ky sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 - 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ươm để ổn định các yếu tố môi trường ao ươm. Đến giai đoạn san nuôi, cần kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ươm và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số về độ mặn, pH, độ kiềm, oxy hòa tan... nhằm hạn chế tôm nuôi bị sốc. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khi ươm được 30 - 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi bằng cách đào mương cho tôm tự qua.

Cách chăm sóc tôm

Cho tôm ăn rất quan trọng, cho ăn 4 cữ/ngày và ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷ lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác nên giảm lượng thức ăn còn 30 - 50%. Quá trình chăm sóc, cần quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm cũng như xem biểu hiện bên ngoài của tôm (thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột…) để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và kịp thời xử lý. Đồng thời, để tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt, nên sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 - 5 ngày/lần. Định kỳ 7 - 10 ngày, cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibrio spp cao cần tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, bằng cách tạt vi sinh sau 1,5 - 2 ngày để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, cần cấp nước bổ sung cho ao vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 - 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.

tom

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách chọn giống và chăm sóc tôm thẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO