Các bệnh của mắt do làm việc quá sức

BS. NGÔ VĂN HỒNG| 24/04/2019 11:35

KHPTO - Cuộc sống đầy áp lực công việc và ô nhiễm, khói bụi… là kẻ thù không đội trời chung với mắt. Mỏi điều tiết và khô mắt là hai bệnh lý dễ gặp nhất ở người thường xuyên phải làm việc quá sức. Tuy là bệnh lý thông thường, nhưng nếu không được chăm sóc và chữa trị kịp thời, đôi mắt của bạn sẽ gặp nhiều rắc rối với hậu quả khôn lường

Mỏi điều tiết: người bệnh có cảm giác lúc nào cũng buồn ngủ, cay mắt, làm việc không tập trung. Nguyên nhân là do mắt phải làm việc (nhất là trên máy vi tính) quá sức hoặc do thường phải thức khuya dẫn đến thiếu ngủ. Người bị suy nhược cơ thể cũng là nguyên nhân gây mỏi điều tiết.

Khô mắt: mắt có triệu chứng bị khô rát, cay và hay chảy nước mắt. Nguyên nhân chủ yếu là do ngồi nhiều trong phòng máy lạnh. Nước mắt tiết ra bị máy lạnh làm bốc hơi nên không đủ bôi trơn giác mạc. Những công việc liên quan nhiều đến máy tính và sở thích “lướt” web là mối nguy hại hàng đầu đối với đôi mắt.

Phương pháp điều trị

Mỏi điều tiết: dùng thuốc nhỏ mắt hiệu Collyre Correctol nhỏ 4 lần/ngày để bôi trơn mắt, giúp mắt đỡ mỏi và bạn có thể làm việc lâu hơn. Ngoài ra, cần uống thêm thuốc bổ mắt như Opticom, Tobicom ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên và viên sủi Berocca mỗi ngày 1 viên... Có thể uống thêm các thuốc bổ mắt khác như Galepo Extra, thuốc có chứa chondroitin có tác dụng chống khô mắt, viêm mắt, mỏi mắt...

Khô mắt: dùng nước mắt nhân tạo hiệu Collyre Sanlein hoặc Collyre Tears Natural II, nhỏ 5 lần/ngày...

Biện pháp phòng ngừa

Mỏi điều tiết và khô mắt là hai bệnh lý do chế độ làm việc quá sức và môi trường quá khô hanh, nên cách phòng ngừa tốt nhất là làm việc điều độ, hạn chế ngồi phòng lạnh.

Thường xuyên tập thể dục cho mắt bằng cách xoa nhẹ hai mí trên khoảng 20 - 30 giây, hoặc nhìn ra xa để mắt được thư giãn. Nên tập thể dục để có giấc ngủ sâu giúp mắt được nghỉ ngơi. Muốn làm việc tập trung lâu, bạn hãy tập thói quen nháy mắt và nhỏ thuốc rửa mắt chuyên dụng, giúp mắt giảm căng thẳng.

Việc tập thể dục đều đặn sẽ góp phần cải thiện sức khỏe, giúp máu lưu thông tốt, từ đó làm giảm áp lực lên mắt, đặc biệt là những người bị bệnh cận thị/viễn thị.

Lưu ý: Khi ngồi gần quạt thông gió, máy điều hòa, tốt nhất nên tránh để luồng gió thổi trực tiếp vào mặt. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở mắt, dù nặng hay nhẹ, bạn đừng chủ quan, hãy tới bệnh viện để kiểm tra ngay.

Chế độ ăn uống

Để tốt hơn cho mắt, bạn nên bổ sung các chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày như sau:

Vitamin E: có trong các loại đậu, dầu mè, trứng, cà chua, khoai tây, măng tây.

Vitamin A: giúp mắt không bị khô, chống quáng gà, có tác dụng tái tạo võng mạc mắt, có trong cà rốt, gan động vật, sữa bò, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá.

Lutein: một chất rất quan trọng giúp ngăn ngừa quá trình thoái hóa võng mạc, có trong các loại rau có lá màu sậm như cải xoăn, cải xanh, cải bó xôi, rau chân vịt.

Vitamin B1, B2, niacin: giúp võng mạc và giác mạc chuyển hóa bình thường, chống gây rung giật nhãn cầu, gây yếu thị giác, có trong các loại đậu, thịt nạc, các loại rau lá xanh, đậu xanh, táo ngô.

Chondroitin: được chiết xuất từ sụn vi cá mập thiên nhiên, giúp giác mạc và thủy tinh thể giữ được độ trong suốt, chống khô mắt, mỏi mắt, hoa mắt do làm việc quá nhiều.

Selenium: giữ vai trò về độ nhạy của thị lực, có trong các loại cá, tôm, sò, hến, gạo lứt, ớt, tỏi, hành tây, nấm, cà rốt.

Bạn cũng nên ăn nhiều cá vì acid béo omega-3 trong mỡ cá giúp ngăn ngừa chứng khô mắt.

Một vài lời khuyên

Hãy bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của bạn. Đôi mắt rất nhạy cảm nên bạn cần phải quan tâm đặc biệt.

Khám định kỳ: bạn nên có kế hoạch khám định kỳ cho mắt để phát hiện sớm các bệnh lý, làm chậm quá trình lão hóa mắt. Lần khám đầu tiên nên bắt đầu trước 5 tuổi. Từ 5 đến 30 tuổi, bạn cần kiểm tra mắt ít nhất 1 lần để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh suy giảm thị lực vànhiều căn bệnh khác. Từ 30 đến 40 tuổi, nên khám mắt 2 lần. Việc khám mắt định kỳ sẽ phát hiện sớm triệu chứng của các bệnh như glaucoma, điểm đen võng mạc (sự lão hóa khiến mắt giảm thị lực). Nếu được phát hiện kịp thời, những chứng bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được. Sau 40 tuổi, nên kiểm tra mắt định kỳ 2 năm/lần; trên 65 tuổi, nên khám mắt 1- 2 lần/năm. Người bị bệnh tiểu đường hoặc gia đình có tiền sử bệnh về mắt thì nên khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Đeo kính chống nắng: ngoài ra, bạn cần phải bảo vệ đôi mắt, chống lại ánh nắng mặt trời bằng kính mát có quét lớp chống tia tử ngoại. Kính không chỉ bảo vệ mắt khỏi bụi mà còn ngăn cản những tia tử ngoại và những tia có hại khác, nguyên nhân chính gây ra căn bệnh đục thủy tinh thể và suy thoái điểm đen. Nên sử dụng kính mát bất cứ khi nào ra đường chứ không chỉ trong mùa hè, đặc biệt là ở những vùng có ánh sáng chói gắt. Nên dùng loại kính tốt, mắt kính được làm bằng chất liệu chuyên biệt và có độ chống nắng 100%. Tốt nhất nên tránh đi ra ngoài đường vào thời điểm nắng nhất trong ngày: từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Không đọc sách quá gần: ở người lớn, khoảng cách lý tưởng từ sách đến mắt là 30 - 35 cm, đối với trẻ em là 25 - 30 cm. Tuyệt đối không đọc sách khi ngồi trên tàu xe, thuyền... đang chuyển động. Nếu làm việc trước màn hình vi tính, cứ mỗi 50 phút phải cho mắt nghỉ độ 5 - 10 phút bằng cách thư giãn hoặc phóng tầm mắt ra xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bệnh của mắt do làm việc quá sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO